Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, số lượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) có ghi nợ tiền sử dụng đất đã xóa nợ trên địa bàn TP Hà Nội cũng giảm đáng kể trước khi thực hiện quy định mới. Tại huyện Thanh Trì, trường hợp nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 có 1.402, đến nay đã xóa nợ được 979 trường hợp, còn lại 423 vẫn đang nợ. “Đặc biệt thời gian gần đây, chủ sở hữu trong diện đi nộp trước thời điểm 28/2/2021 tăng hơn nhiều. Cụ thể, tại xã Tam Hiệp có 211 số hộ ghi nợ theo Nghị định 79/2019/NĐ-CP, đến nay chỉ còn 4 hộ chưa xóa nợ, xã Liên Ninh có 241 hộ ghi nợ, hiện còn 31 hộ chưa xóa nợ, xã Vĩnh Quỳnh 114 hộ ghi nợ, hiện còn 15 hộ chưa xóa nợ… Tuy nhiên, vẫn còn một số xã số hộ chưa xóa nợ còn cao như thị trấn Văn Điển còn 198, xã Ngũ Hiệp là 43…” – ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết.
Tương tự, tại quận Hoàng Mai, tỉ lệ chủ sở hữu trong diện đến xóa nợ trong tuần tăng cao. Thông tin từ Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Hoàng Mai cho hay, trên địa bàn hiện có khoảng 1.350 hồ nợ tiền sử dụng đất trước 1/3/2016. Từ đầu tuần đến nay mỗi ngày khoảng gần 100 trường hợp đến xóa nợ trong khi bình thường chỉ là 10 - 15 trường hợp/ngày. Trong khi đó, trên địa bàn quận Cầu Giấy, hiện cơ quan chức năng cũng đang tăng cường công tác tuyên truyền và thống kê số lượng GCN được xóa nợ, trong đó tại phường Yên Hòa số lượng GCN nợ tiền sử đất trước 1/3/2016 là 41 trường hợp, tuy nhiên con số xóa nợ chính xác vẫn đang đợi chốt từ cơ quan thuế. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, một người dân trên địa bàn phường này cho biết, gia đình bà cũng mới vừa đi xóa nợ tiền sử dụng đất. “Sổ thì có lâu rồi nhưng chưa có tiền nộp nên vẫn nợ của nhà nước. Thấy các con nói từ 1/3 sẽ thực hiện theo qui định mới, tiền sử dụng đất tính theo giá đất hiện tại, mà vị trí đất nhà tôi bây giờ hệ số cao hơn trước nhiều. Thế là các con chung tiền cho bố mẹ đi xóa nợ, chứ vợ chồng tôi hưu rồi cũng không dư rả gì.”Theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP sửa đổi điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về việc thu tiền sử dụng đất thì các hộ gia đình, cá nhân nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 mà chưa thanh toán, sẽ tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận hoặc theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật. Cách tính này được kéo dài đến hết ngày 28/2/2021. Từ ngày 1/3/2021, sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.Cụ thể, theo hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội, đối với những trường hợp nợ tiền sử dụng đất từ trước ngày 1/3/2016 mà sau ngày 1/3/2021 vẫn nợ thì sẽ phải nộp tiền sử dụng đất được tính theo bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 của Hà Nội với hệ số K mới điều chỉnh gần đây. Tiền sử dụng đất được tính theo phương pháp chi tiết như sau: Tiền sử dụng đất phải nộp = Giá đất tính tiền sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất x Diện tích đất phải nộp tiền sử dụng đất - Tiền sử dụng đất được giảm theo quy định tại Điều 12 Nghị định này (nếu có) - Tiền bồi thường, GPMB được trừ vào tiền sử dụng đất (nếu có).Được biết mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Quyết định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn năm 2021 với hệ số K cao nhất ở mức 2,15, do đó, tiền sử dụng đất của những trường hợp được ghi nợ phải nộp sẽ tăng theo.
Đối với các trường hợp chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất theo quy định Nghị định 79/2019/NĐ-CP, chúng tôi quán triệt tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách về thời hạn thanh toán nợ tiền sử dụng đất đến các hộ gia đình, cá nhân bằng các biện pháp như phát thanh trên loa đài, dán thông báo hướng dẫn tại các điểm văn hóa của các tổ dân phố, ngõ, xóm, công khai danh sách… Trường hợp địa bàn xã, thị trấn nào để xảy ra trường hợp thiếu sót hộ gia đình, cá nhân chưa được tuyên truyền, phổ biến chính sách theo quy định thì lãnh đạo UBND xã, thị trấn đó chịu trách nhiệm trực tiếp trước UBND huyện.Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng |