Người dân huyện Thạch Thất tổng vệ sinh, phun khử khuẩn sau lũ

Công Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi nước rút, nhiều hộ dân ở xóm Trại, thôn Phú Đa 2, xã Cần Kiệm đã dọn dẹp nhà cửa, kê lại đồ đạc cũng như tổng vệ sinh, phun khử khuẩn, rắc vôi bột... Cùng với đó, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho các hộ dân bị ngập vôi bột, thuốc khử khuẩn,...

Trao đổi với phóng viên, ông Kiều Văn Bảo, 83 tuổi, trú tại xóm Trại, thôn Phú Đa 2, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất cho biết, nhà ông là một trong 26 hộ dân sống ở ngoài đê sông Tích, hàng năm khi có mưa lớn thường bị ngập nhưng chỉ ngập đường trước cửa nhà. Năm nay nước to, ngập vào nhà của nhiều hộ trong 26 hộ dân ngoài đê sông Tích.

Ông Kiều Xuân Đỉnh chia sẻ về mực nước dâng cao, ngập sân nhà ông. Ảnh: Công Phương.
Ông Kiều Xuân Đỉnh chia sẻ về mực nước dâng cao, ngập sân nhà ông. Ảnh: Công Phương.

"Nhà tôi mới xây, cao hơn mặt đường khoảng 1,5m nên nước không ngập vào nhà, chỉ mấp mé ở sân còn nhiều nhà khác bị nước ngập vào nhà" - ông Kiều Văn Bảo chia sẻ.

Theo ông Kiều Văn Bảo, đợt mưa lớn vừa qua, chính quyền địa phương đã thông tin đến người dân về tình hình mưa và khả năng xảy ra ngập lụt, cũng như khuyến cáo người dân kê cao đồ đạc, tránh ngập lụt. Khi nước dâng cao đã gây khó khăn cho 26 hộ dân ở xóm Trại, nhiều hộ bị ngập vào nhà, phải gửi xe máy đi nhà khác hoặc sang nhà khác ở nhờ.

Cùng chia sẻ về việc bị ngập, ông Kiều Xuân Đỉnh, 54 tuổi cho biết, năm nay mưa to, nước lớn nên đã ngập căn bếp và cách 10cm nữa mới ngập vào nhà chính.

Đường đi vào nhà ông Đỉnh được chính quyền địa phương và Nhân dân rắc vôi bột đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Ảnh: N.M.
Đường đi vào nhà ông Đỉnh được chính quyền địa phương và Nhân dân rắc vôi bột đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Ảnh: N.M.

"Nước ngập sâu, tôi lội đến cổ nên đi lại hoàn toàn bằng thuyền. Những ngày này, tôi phải đưa vật nuôi lên cao, vất vả nhưng may mắn không bị thiệt hại do mưa lũ. Khi nước rút, tôi đã chủ động dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đồ đạc" - ông Kiều Xuân Đỉnh chia sẻ.

Ông Kiều Xuân Đỉnh cho biết thêm, mấy hôm nay, chính quyền địa phương đã cấp phát cho người dân ở xóm Trại vôi bột và thuốc khử trùng, đi rắc vôi bột ở khu vực cống rãnh, đường đi...

Một người dân ở xóm Trại cho biết thêm, khi biết nước sẽ dâng cao, nhà anh đã chủ động kê đồ đạc, gửi xe máy sang nhà khác. Bên cạnh đó, gia đình anh đã đi ở nhờ trong những ngày ngập úng.

Xã Cần Kiệm đã sử dụng, cấp phát cho người dân 2 tấn vôi bột. Ảnh: N.M.
Xã Cần Kiệm đã sử dụng, cấp phát cho người dân 2 tấn vôi bột. Ảnh: N.M.

"Khi nước rút, gia đình tôi đã chủ động dọn dẹp, mua thuốc khử trùng về phun và vôi bột về rắc đảm bảo vệ sinh khu vực nhà ở. Chúng tôi mong muốn con đường đê bao quanh 26 hộ dân sớm được đầu tư xây dựng" - người dân ở xóm Trại chia sẻ.

Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Chinh - Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất cho biết, để phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, UBND xã Cần Kiệm đã thực hiện phương châm nước rút đến đâu tiến hành tổng vệ sinh môi trường và phun khử khuẩn đến đó với nguyên tắc sạch nhà, sạch đường làng và các công trình công cộng.

Xã Cần Kiệm đã giao Trạm Y tế, cán bộ môi trường, cán bộ thú y phối hợp với trưởng, phó thôn Phú Đa 2, Phú Lễ hướng dẫn nhân dân kỹ thuật phun khử khuẩn, tổng vệ sinh môi trường. Giao cán bộ môi trường liên hệ công ty vệ sinh môi trường vận chuyển rác thải, không để ùn ứ gây ô nhiễm.

Trước đó, nước dâng cao đã ngập vào nhà của một số hộ gia đình ở xóm Trại, thôn Phú Đa 2. Ảnh: Lê Trang. 
Trước đó, nước dâng cao đã ngập vào nhà của một số hộ gia đình ở xóm Trại, thôn Phú Đa 2. Ảnh: Lê Trang. 

Đồng thời, chính quyền xã cùng các Bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn tuyên truyền vận động Nhân dân vệ sinh môi trường kịp thời nắm bắt nếu phát hiện phát sinh dịch bệnh báo cáo UBND  xã để xử lý không để lây lan.

Tính đến chiều 6/8, xã Cần Kiệm đã cấp phát, sử dụng 24kg thuốc sát trùng, 15 lít thuốc supercin cho 2 thôn Phú Đa, Phú Lễ; cấp phát và tung khử khuẩn 2 tấn vôi bột.

"Về đường 2/9, xã đang lập điều chỉnh một phần đầu tuyến, khi quy hoạch điều chỉnh được duyệt và thi công thì tuyến đường 2/9 là đường dân sinh, vừa có tác dụng như một đê bao tránh nước ngập vào khu dân cư khi nước sông Tích dâng cao" - Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm cho hay.