Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn

Người dân là mấu chốt đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4

Bích Hời - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, huyện Mê Linh đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (VĐ4). Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn.

Pv: Xin ông cho biết, đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đường VĐ4 trên địa bàn huyện Mê Linh đã thực hiện đạt kết quả ra sao?

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn.

- Ông Hoàng Anh Tuấn: Thời gian qua, huyện Mê Linh đã chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, phối hợp công việc với các đơn vị liên quan đến công tác GPMB. Nhờ sự đồng thuận của Nhân dân, huyện đã thực hiện GPMB đúng tiến độ của TP Hà Nội đề ra. Tổng diện tích đất GPMB trên địa bàn huyện là rất lớn. Huyện đã GPMB được 122,6ha/131ha đất nông nghiệp, đạt 93,5%. Hoàn thành di chuyển 366 ngôi mộ, đạt 100% kế hoạch ngay trong năm 2022, là một trong những địa phương thực hiện nhanh nhất TP Hà Nội về di chuyển các ngôi mộ ở dự án đường VĐ4.

Hiện huyện đang tập trung cao độ cho GPMB đối với đất ở và tài sản trên đất. Để GPMB được đất ở và tài sản phải đẩy nhanh công việc xây dựng các khu tái định cư (TĐC) để bàn giao đất cho người dân tập trung xây dựng nhà ở.

Ngày 30/5/2023, huyện đã khởi công xây dựng 4 gói thầu cải tạo chỉnh trang, nghĩa trang Nhân dân tại 4 thôn. Dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023. Đất ở phải GPMB tại 3 xã Đại Thịnh, Văn Khê, Chu Phan với diện tích thu hồi 6,96ha, với 438 hộ dân, 456 thửa đất. Trong đó, diện tích GPMB đất ở thôn Khê Ngoại 2 là 3,67ha.

Cuối tháng 7/2023, huyện Mê Linh đã bàn giao mặt bằng 122,6ha cho đơn vị chủ đầu tư, đạt 86%, vượt so với mức 70% kế hoạch của TP giao; Phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công triển khai thi công các phần việc trên diện tích đã bàn giao mặt bằng. Dự kiến đến hết tháng 9/2023, huyện sẽ tiến hành phê duyệt phương án, thu hồi, GPMB xong toàn bộ 100% diện tích đất nông nghiệp, với 131ha trên địa bàn Mê Linh.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn động viên người dân xã Kim Hoa di chuyển mộ phục vụ GPMB dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Công Thọ
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn động viên người dân xã Kim Hoa di chuyển mộ phục vụ GPMB dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Công Thọ

Pv: Huyện Mê Linh đã khởi công hạng mục khu TĐC để di chuyển người dân ra khỏi mặt bằng dự án đường VĐ4, vậy ông cho biết nơi ở mới của người dân sẽ được xây dựng ra sao?

- Ông Hoàng Anh Tuấn: Tổng diện tích đất xây dựng 3 khu TĐC là 14,8ha, trong đó diện tích xây dựng khu TĐC tại xã Văn Khê là 7,74ha, tương ứng 230 hộ dân, trong đó, huyện đã GPMB 5,8ha/7,74ha. Khu TĐC tại thôn Tân Châu, xã Chu Phan với quy mô 4,7ha và khu TĐC ở thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, với quy mô khoảng 2,4ha. Tất cả các khu TĐC, trong quá trình triển khai thực hiện đều đảm bảo đúng quy định, quy trình, thủ tục, lấy ý kiến và được Nhân dân đồng thuận rất cao.

Để đảm bảo cho người dân có chỗ sinh sống tốt nhất khi đến nơi ở mới, cuối tháng 8 huyện Mê Linh đã khởi công xây dựng khu TĐC Khê Ngoại 2, xã Văn Khê với quy mô 7,74ha. Đây là khu đô thị quy mô lớn nhất trong 3 khu TĐC trên địa bàn huyện.

UBND huyện Mê Linh khởi công dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu TĐC tại xã Văn Khê. Ảnh: Phạm Hùng
UBND huyện Mê Linh khởi công dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu TĐC tại xã Văn Khê. Ảnh: Phạm Hùng

Tổng mức đầu tư khoảng 179 tỷ đồng. Dự án hạ tầng TĐC Văn Khê được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn là một khu đô thị mới với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp hài hòa với các khu dân cư hiện hữu. Dự án này được xây dựng trong không gian kiến trúc cảnh quang sáng, xanh, sạch, đẹp theo đúng định hướng phát triển.

Theo sự chỉ đạo chung của TP Hà Nội cũng như Chính phủ làm sao các khu TĐC phải tốt bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Ở đây, phương châm của huyện Mê Linh là đảm bảo tốt hơn nơi ở cũ. Mặc dù, diện tích nhỏ, nhưng huyện vẫn đầu tư đầy đủ các hạ tầng như một khu đô thị. Cụ thể, khu TĐC có các công trình hệ thống giao thông đồng bộ kết nối với tuyến đường trong khu vực, cấp - thoát nước, trạm xử lý nước thải, cấp điện, điện chiếu sáng, viễn thông, phòng cháy chữa cháy, bãi đỗ xe, sân chơi, cây xanh, hoàn trả thủy lợi. Dự kiến khu TĐC hoàn thành xây dựng trong khoảng 3-4 tháng, kể từ ngày khởi công.

Trong quá trình thi công xây dựng, để các khu TĐC đảm bảo chất lượng, mỹ quan theo đúng phương án được phê duyệt, đảm bảo lòng tin của Nhân dân, huyện Mê Linh đã chỉ đạo địa phương thành lập ban giám sát và mời người dân giám sát cùng khi thực hiện các hạng mục tại khu TĐC. Vì đây là công trình làm cho dân và dân thụ hưởng lâu dài.

Pv: Để đảm bảo bàn giao mặt bằng cho dự án đúng thời gian quy định là trước 31/12, tuy nhiên người dân chưa kịp xây dựng nhà ở để di chuyển vào khu TĐC, vậy huyện đã tính toán thế nào cho phương án tạm cư? Thưa ông!

- Ông Hoàng Anh Tuấn: Theo chỉ đạo chung của TP Hà Nội, nếu như các khu TĐC chưa thực hiện được kịp thời thì phải có phương án tạm cư cho người dân. Huyện Mê Linh đang chỉ đạo các đơn vị, cơ quan, địa phương rà soát cơ sở vật chất, các hộ dân còn chỗ ở để thực hiện việc tạm cư, tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở và đảm bảo GPMB đúng tiến độ.

Trong thời gian tới, huyện Mê linh tiếp tục GPMB đối với phần diện tích đất ở và đất nông nghiệp. Để hoàn thành dự án TĐC Văn Khê, theo đúng tiến độ, chính quyền huyện và các xã mong muốn người dân ở các xã có dự án đường VĐ4 đi qua đồng thuận, giúp đỡ để phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện kiểm đếm tài sản, đo đạc quỹ đất, triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với phần đất ở và tài sản trong các hộ gia đình. Phấn đấu GPMB, bàn giao toàn bộ 100% diện tích đất của dự án đường VĐ4 trên địa bàn huyện cho Ban quản lý Dự án giao thông Hà Nội trước ngày 31/12/2023, theo đúng chỉ đạo chung của TP Hà Nội.

 Chi trả tiền bồi thường, GPMB đợt 3 cho người dân xã Văn Khê. Ảnh: Công Thọ
 Chi trả tiền bồi thường, GPMB đợt 3 cho người dân xã Văn Khê. Ảnh: Công Thọ

Pv: Được biết, huyện Mê Linh là địa phương GPMB diện tích đất dự án đường VĐ4 được nhiều nhất trên địa bàn Hà Nội. Vậy thưa ông, công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động Nhân dân thế nào để họ hiểu, đồng thuận thực hiện được kết quả như hôm nay?

- Ông Hoàng Anh Tuấn: Để Nhân dân hiểu và tin tưởng, đồng lòng thực hiện cùng GPMB với địa phương thì giải pháp số một là chúng tôi tập trung đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gặp gỡ. Ở đây, không những tuyên truyền ở các hội nghị mà huyện, xã và các đoàn thể tuyên truyền, gặp gỡ trao đổi thông tin, cung cấp các tài liệu, các quy định, hướng dẫn của Nhà nước một cách đầy đủ, chi tiết đến từng hộ dân.

Nếu cần chúng tôi đến tận các hộ gia đình để trao đổi ý kiến đó. Hoặc trao đổi qua các tổ chức đoàn thể, các chi bộ Đảng, từ đó để Nhân dân hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội về dự án trọng điểm quốc gia này. Người dân đồng thuận là mấu chốt để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Pv: Công việc triển khai GPMB từ nay đến cuối năm còn vướng mắc gì? Và huyện Mê Linh đưa ra những giải pháp nào để thực hiện đúng tiến độ đề ra? Thưa ông!

- Ông Hoàng Anh Tuấn: Giải pháp số 1 là ưu tiên GPMB. Thứ 2 là tiến hành thi công đồng bộ, song song các hạng mục khu TĐC cho đến việc kiểm đếm, đo đạc đất đai nhà ở, hoa màu, tài sản trên đất. Tại thời điểm này, khó khăn nhất vẫn là thời tiết, có nhiều ngày mưa.

Do đó, huyện chỉ đạo khắc phục là tranh thủ những thời điểm thời tiết thuận lợi để tiến hành thi công tăng ca, tăng số lượng người và năng suất lao động, đảm bảo đúng tiến độ. Phấn đấu đến hết năm 2023 huyện hoàn thành xây dựng xong các khu TĐC để bàn giao đất cho người dân.

Pv: Trân trọng cảm ơn ông!