Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân mong Đồ án thiết kế quanh hồ Thiền Quang sớm trở thành hiện thực

Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Đồ án Thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500 đang được quận Hai Bà Trưng tổ chức lấy ý kiến người dân, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và người dân xung quanh khu vực.

Phối cảnh hồ Thiền Quang sau khi được thiết kế lại.
Phối cảnh hồ Thiền Quang sau khi được thiết kế lại.

Nhìn chung Nhân dân đều bày tỏ đồng tình và mong muốn Đồ án được nhanh chóng triển khai.

Phát huy vai trò, giá trị, điểm kết nối không gian

Theo Đồ án được đơn vị tư vấn lập, khu đất nghiên cứu lập thiết kế đô thị rộng 11,7ha, thuộc hai phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành, phía Bắc giáp đường Nguyễn Du, phía Tây giáp phố Trần Bình Trọng, phía Đông giáp phố Quang Trung, phía Nam giáp phố Trần Nhân Tông. Đáng chú ý, đơn vị tư vấn đề xuất thiết kế đô thị với 13 khu vực chức năng, trong đó có 5 quảng trường: quảng trường trung tâm nằm ở phía đường Trần Nhân Tông, giáp Công viên Thống Nhất, là khu văn hóa nghệ thuật đa năng, nơi tập trung giao thương hàng hóa của tuyến phố và dừng nghỉ cho du khách. Không gian quảng trường kết nối các phân khu chức năng của tuyến phố cũng kết nối với Công viên Thống Nhất, là tụ điểm vui chơi, hoạt động văn hóa, thương mại.

Bốn quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông được xây gần bốn góc hồ Thiền Quang: quảng trường mùa Xuân - mùa Hạ nằm ở hai góc hồ phía đường Trần Nhân Tông sẽ diễn ra những sự kiện chính với không gian mở để ngắm toàn cảnh hồ. Quảng trường mùa Thu giáp ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung dành cho các hoạt động vui nhộn. Quảng trường mùa Đông giáp ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng là không gian chuyển tiếp giữa công viên ven hồ và cụm ba chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa, với các hoạt động “tĩnh” hơn (chơi cờ, thể dục, câu cá…).

 

Để xây dựng được Đồ án, đơn vị thực hiện đã phát huy những kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, xây dựng đô thị hiện đại và xin ý kiến chuyên gia, chính quyền địa phương, cán bộ cơ sở, người dân… Song, mục tiêu cuối cùng của Đồ án là hiệu quả sử dụng của người dân, nên việc lấy ý kiến cần được tiến hành kỹ lưỡng để đánh giá một cách hoàn chỉnh, trong đó vấn đề gì có thể điều chỉnh được ngay thì thực hiện trước, vấn đề gì chưa phù hợp, chưa bảo đảm thiết kế đô thị… thì cần được điều chỉnh, làm theo lộ trình.
Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Dương Minh Đức

Đồ án cũng nêu định hướng thiết kế đài phun nước ở giữa hồ và khu biểu diễn nhạc nước gần bờ phía đường Trần Nhân Tông; định hướng các khu vực tượng đài Công an Nhân dân, khu tôn giáo tín ngưỡng, Cung văn hóa thanh niên, cây xanh cảnh quan... Mục tiêu của Đồ án là biến khu vực hồ Thiền Quang trở thành trung tâm kết nối giữa các điểm dân cư và các trung tâm văn hóa xã hội của khu vực, trở thành nơi chuyển tiếp không gian từ bên ngoài tuyến phố quanh hồ Thiền Quang vào trong Công viên Thống Nhất; góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị của tuyến phố và nâng cấp hệ thống tiện ích công cộng hiện có; tạo ra các không gian hoạt động văn hóa nghệ thuật đa năng với nhiều tiện ích hiện đại phục vụ, nâng tầm đời sống dân cư khu vực, tạo sức hút hấp dẫn với các khu vực khác…

Theo Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng, hồ Thiền Quang có vị trí, cảnh quan đẹp, kết nối mặt hồ với công viên cây xanh và cạnh Công viên Thống Nhất; tại đây có cụm ba chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa, cụm tượng đài Công an Nhân dân, Cung Thanh niên tại khu bán đảo và phố đi bộ Trần Nhân Tông... Do đó, khu vực cần có đồ án thiết kế đô thị riêng để phát huy vai trò, giá trị, điểm kết nối không gian. Đồ án được xây dựng với tiêu chí hạn chế tối đa tác động đến mặt nước, cây xanh; chỉ bổ sung cây, hoa trang trí và chỉnh trang không gian cho đẹp, hiện đại hơn.

Quang cảnh hồ Thiền Quang từ trên cao. Ảnh: Ngọc Tân
Quang cảnh hồ Thiền Quang từ trên cao. Ảnh: Ngọc Tân

Việc xây dựng thiết kế đô thị khu vực hồ nằm trong Đề án không gian đi bộ hồ Thiền Quang và vùng phụ cận. Sau cải tạo, quận sẽ mở rộng phố đi bộ quanh hồ. Hiện một số hạng mục đang được cải tạo theo Đề án không gian đi bộ, như cụm di tích ba chùa và Cung Thanh niên, sẽ sớm được hoàn thành.

Thận trọng lắng nghe ý kiến người dân

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo 2 phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành cho hay, các phường đang tích cực thực hiện nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền vận động và lấy ý kiến trong hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư để tổng hợp, báo cáo Phòng Quản lý đô thị quận, từ đó, Phòng cùng đơn vị tư vấn sẽ điều chỉnh Đồ án cho phù hợp trước khi trình cấp trên duyệt, tổ chức triển khai thực hiện. Việc lấy ý kiến Nhân dân bắt đầu từ trước Tết Giáp Thìn 2024, thông báo đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân để họ nghiên cứu đóng góp, sẽ kéo dài đến hết tháng 2/2024 (trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng tải hồ sơ Đồ án lên Cổng Thông tin điện tử quận và treo bản vẽ tại trụ sở UBND phường).

Theo Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Dương Minh Đức, Đồ án được triển khai sẽ giúp phát triển đồng bộ hạ tầng khu vực hồ Thiền Quang và xung quanh, tạo cảnh quan và không gian mở, hiện đại, văn minh cho khu vực; đồng thời điều chỉnh lại những hạn chế trong thiết kế đô thị cũ mà hiện chưa phù hợp, để đồng bộ và đẹp hơn, tiện dụng cho sinh hoạt của người dân - là mục đích cuối cùng của quy hoạch đô thị.

Ghi nhận được biết, trong tháng 2/2024, việc lấy ý kiến người dân đã được phường Nguyễn Du triển khai trong hệ thống cán bộ cơ sở, thông qua hội nghị đại biểu Nhân dân, sinh hoạt cấp ủy Chi bộ… Trong tuần này, UBND phường sẽ mời đại diện Phòng Quản lý đô thị quận và phối hợp đơn vị tư vấn tổ chức họp trực tiếp lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và hệ thống chính trị phường, đánh giá tác động của Đồ án... Tình hình chung người dân phường đều đồng thuận với Đồ án, song một số ý kiến dư luận đề nghị, tại khu vực đã có nhưng vẫn cần bố trí thêm số lượng và nâng cấp các điểm nhà vệ sinh công cộng cho phù hợp nhu cầu.

Tượng đài chiến sĩ cảnh sát giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn  phía ngoài công viên Thống Nhất.
Tượng đài chiến sĩ cảnh sát giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn  phía ngoài công viên Thống Nhất.

Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng cho biết, qua nắm bắt trong phường đến nay cho thấy người dân đều đồng tình với Đồ án, vì tổng thể khu vực kết nối với Công viên Thống Nhất, phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận, sẽ tạo nên không gian rất đẹp. Người dân và cán bộ cơ sở đều mong Đồ án nhanh chóng được triển khai, góp phần tạo ra động lực lớn cho phát triển của phường Lê Đại Hành nói riêng và quận Hai Bà Trưng, Thủ đô nói chung. Trong tuần này, UBND phường sẽ tổ chức họp tổng hợp ý kiến người dân.

Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 2 phường Lê Đại Hành Giang Văn Hải chia sẻ, người dân trên địa bàn đều mong sớm triển khai Đồ án để được hưởng thụ, vì sẽ vừa có một không gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí dịp cuối tuần, vừa có điểm du lịch tâm linh. Họ cũng nhận thấy Đồ án đã cơ bản có đầy đủ hạng mục tiện ích cho người dân. “Dù vậy, tại Hội nghị đại biểu Nhân dân mà địa bàn vừa tổ chức, một số người cũng nêu ý kiến về các vấn đề cảnh quan, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, như: khi không gian quanh hồ được chỉnh trang đồng bộ thì không được làm che lấp mặt hồ; cần quản lý tốt an ninh trật tự, không để xe cộ gây cản trở giao thông; vệ sinh môi trường trở lại phong quang sau khi tổ chức phố đi bộ mỗi dịp cuối tuần… Thực tế việc tổ chức phố đi bộ Trần Nhân Tông thời gian qua được đánh giá cao, nên cần duy trì tốt, khi mở rộng không gian thiết kế thì công tác quản lý càng cần được chú trọng”- ông Giang Văn Hải nói.

 

Là địa bàn giáp ngay hồ Thiền Quang và phố đi bộ Trần Nhân Tông, đến cuối tuần qua đã có nhiều người dân trong Tổ nộp phiếu khảo sát ra UBND phường, trong tuần này Tổ sẽ tổng hợp ý kiến. Đặc biệt, người dân mong cụm ba chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa sớm được đầu tư cải tạo cho khang trang hơn, để người dân đi lễ, đáp ứng nhu cầu tâm linh.
Tổ trưởng Tổ dân phố số 6 phường Lê Đại Hành Ngô Thị Thu Hà.