KTĐT - Ngày 4/2 tức mùng 2 Tết Tân Mão, trong thời tiết nắng đẹp, nắng ấm chan hòa, hàng vạn người dân dân Thủ đô và du khách đã nô nức thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Đây cũng là nét đẹp truyền thống bao đời của người Hà Thành trong những ngày năm mới.
Trái ngược với cảnh tĩnh lặng, vắng vẻ, thưa thớt của nhiều con đường, tuyến phố, từ sáng sớm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám đã đông đúc. Khách du xuân Văn Miếu-Quốc Tử Giám dạo phố Ông Đồ xin chữ, xem triển lãm thư pháp, nói chuyện thơ xuân - chương trình do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Hội sinh vật cảnh Hà Nội tổ chức.
Ở sân Thái Học, chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công không chuyên và chuyên nghiệp của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Đoàn Nghệ thuật dân gian truyền thống thu hút khá đông người thưởng thức.
Những tiết mục biểu diễn ca trù, hát xẩm, múa ống tập thể nam, nữ, hát văn Ông Hoàng Mười, Cô Bơ, Cô bé thượng ngàn luôn nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng của khách quốc tế và trong nước.
Cạnh đó, những trận thi đấu cờ người của 16 kỳ thủ hàng đầu Hà Thành đã thu hút đông đảo người xem. Bên cạnh chương trình biểu diễn múa rối nước Đào thục vào ngày 4/2 đến 13/2, biểu diễn múa long ly quy phượng vào ngày 7-11/2 cùng nhiều hoạt động đón xuân khác đã được tổ chức tại sân Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Ông Lê Văn, 80 tuổi, ở Lò Đúc, Hai Bà Trưng cho biết đến Văn Miếu du xuân, thắp nén nhang, dâng lễ trước ban thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền trong Đại Bái Đường, cùng ban thờ danh nhân Chu Văn An trong nhà Thái Học để mong cho một năm mới tốt đẹp, việc học trôi chảy là một trong những nét đẹp, và tạo nên sự khác biệt về văn hóa, không khí đón Xuân của Thủ đô so với những nơi khác trong cả nước./.