Huy động hơn 5.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, huyện đã huy động được hơn 5.000 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, có hơn 550 tỷ đồng do DN, HTX và Nhân dân đóng góp. Đến nay, huyện Gia Lâm đã được TP công nhận 20/20 xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Ngoài ra, 100% các trục đường liên thôn, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 82,9% trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia; 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh... Huyện đang hoàn tất hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn NTM song song với thực hiện các tiêu chí phát triển từ huyện để trở thành quận vào năm 2025.
Cùng với kết quả xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo vùng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất được nhân dân tích cực hưởng ứng, mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, đã hình thành 18 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và triển khai việc ký kết hợp đồng giữa các Hợp tác xã DVTH nông nghiệp với các công ty, siêu thị trong tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của huyện đã được tiêu thụ trong các quận nội thành, một số tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 17,9 triệu đồng/người thì đến năm 2018 đã nâng lên 48,9 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,56%...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm các gian hàng sản phẩm huyện Gia Lâm. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Giâ Lâm cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy như: Công tác chỉ đạo, quản lý điều hành và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền tại một số đơn vị có mặt còn hạn chế; có lúc còn chưa thống nhất, lúng túng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp còn chưa cao. Việc huy động nguồn vốn góp của DN và Nhân dân tham gia xây dựng NTM còn chưa tương xứng với tiềm năng của huyện.
Phấn đấu đạt huyện chuẩn NTM trong năm 2019
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những kết quả của huyện Gia Lâm sau 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đây là kết quả của quá trình cống hiến, lao động miệt mài của các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Gia Lâm trong suốt thời gian qua.
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, huyện Gia Lâm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng NTM với các tiêu chí nâng cao, xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với hoàn thiện các tiêu chí đầu tư xây dựng huyện trở thành quận. “Muốn vậy, trước hết huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự chủ thể thực hiện và là người thụ hưởng các kết quả chương trình xây dựng NTM” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu, huyện cần tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, phấn đấu để T.Ư công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2019. Cùng với đó, tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị gắn với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, tập trung, quy mô lớn, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và DN trong chuỗi giá trị. Ngoài ra, tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân; tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận và hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; phấn đấu không còn hộ nghèo trên địa bàn. Đẩy mạnh phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và 2 Bộ Quy tắc ứng xử của TP.
Nhân dịp này, UBND huyện Gia Lâm đã quyết định khen thưởng 74 tập thể, 24 hộ gia đình, 64 cá nhân trong công tác xây dựng NTM; cùng với 18 tập thể, 6 cá nhân trong công tác nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường.