Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Di Linh (Lâm Đồng):

Người dân phản ánh bị doanh nghiệp lấn chiếm đất và tiếng nói người trong cuộc

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Trần Minh Liêm (xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) phản ánh về việc mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông hiện đang bị một doanh nghiệp thuê đất trồng rừng lấn chiếm.

Ông Trần Minh Liêm cho rằng trên phần đất đã được cấp sổ của mình bị lấn chiếm.
Ông Trần Minh Liêm cho rằng trên phần đất đã được cấp sổ của mình bị lấn chiếm.

Người dân phản ánh đất được cấp sổ đỏ có dấu hiệu bị lấn chiếm

Ông Trần Minh Liêm phản ánh đến Báo Kinh tế & Đô thị về việc gia đình ông bị lấn chiếm đất và phá hoại tài sản. Theo đó, gia đình ông Liêm có mảnh đất liền thổ trồng cà phê lâu năm tại thôn 11, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với tổng diện tích trên 5 ha.

Cụ thể GCNQSDĐ tại thửa đất số 40, tờ 41 với diện tích 400m2 đất ở và trên 1,2 ha đất nông nghiệp; thửa 39, tờ 42 với diện tích gần 3.000m2 đất nông nghiệp. Cả 2 thửa đất này được cấp GCNQSDĐ ngày 5/12/1996 (số sổ BC G277804, người đứng tên chủ đất là ông Trần Phố, cha ruột của ông Liêm).

Ông Trần Minh Liêm được cha ruột tặng 3 thửa đất: thửa 84, tờ 41 với diện tích trên 4.500m2 (GCNQSDĐ cấp ngày 19/11/2010, số sổ BC 832490); thửa 85, tờ 41 với diện tích trên 1,5 ha (GCNQSDĐ cấp ngày 19/11/2010, số sổ BC 832491); thửa 106, tờ 41 với diện tích trên 1,4 ha (GCNQSDĐ cấp ngày 9/6/2011, số sổ BE 914022). Cả 3 thửa đất này do ông Trần Minh Liêm đứng tên.

GCNQSDĐ được cấp cho ông Trần Minh Liêm với các thửa đất do gia đình ông khai phá từ mấy chục năm trước.
GCNQSDĐ được cấp cho ông Trần Minh Liêm với các thửa đất do gia đình ông khai phá từ mấy chục năm trước.

Ông Trần Minh Liêm cho biết, cách đây vài năm, tại cả 4 thửa đất (gồm thửa đất của cha ruột là ông Trần Phố và 3 thửa đất của ông) có dấu hiệu bị doanh nghiệp tư nhân Lê Tám lấn chiếm. Tính tổng số diện tích đất từ các thửa đất nói trên bị lấn chiếm khoảng 1,5 ha.

“Đất của gia đình tôi khai phá trên 30 năm, trồng cây hoa màu, cà phê ổn định, không ai tranh chấp và đã được cấp GCNQSDĐ. Thế nhưng khi gia đình tôi đang trồng cây cà phê thì doanh nghiệp tư nhân Lê Tám đến lấn chiếm từ các ranh đất của các thửa đất do tôi sỡ hữu nói trên. Gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết”.

Năm 2024, gia đình ông Liêm tiếp tục gửi đơn khiếu nại về việc các thửa đất của mình bị lấn chiếm đến UBND xã Hòa Bắc. UBND xã Hòa Bắc đã hướng dẫn ông Liêm đến UBND huyện Di Linh nộp hồ sơ yêu cầu được đo đạc lập lại bản đồ địa chính, trích đo vẽ lại đất để xác định các vị trí của các thửa đất nói trên. Tuy nhiên, đến nay ông Liêm vẫn chưa nhận được kết quả nào.

Ông Liêm cũng cho biết, hiện nay cả 3 sổ đất gồm BC 832490, BC 832491, BE 914022 do ông Liêm đứng tên chủ sử dụng đất đang được ông thế chấp tại ngân hàng từ năm 2011 đến nay để đầu tư kinh doanh. “Như vậy các thửa đất nói trên của tôi đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng hợp pháp”- ông Liêm khẳng định.

Chính quyền đã mời các bên liên quan đến làm việc và xử lý theo thẩm quyền

“Sự việc đất của gia đình tôi bị doanh nghiệp lấn chiếm, phá hủy cây cà phê của chúng tôi đang trồng, sau đó trồng lại cà phê ngay trên diện tích đất này nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý, đã gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho gia đình"- ông Liêm chia sẻ.

Ghi nhận thực tế của PV Báo Kinh tế & Đô thị những ngày đầu tháng 1/2025, xung quanh các ranh giới của các thửa đất của ông Liêm phản ánh là “bị lấn chiếm” đều có dấu hiệu đang được doanh nghiệp tư nhân Lê Tám triển khai trồng cà phê. Hàng loạt những khu vực ngọn đồi giáp ranh đất giữa doanh nghiệp Lê Tám và đất của ông Liêm đang được trồng cà phê.

Trao đổi với PV, ông Lê Tám - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Lê Tám cho biết: Trước đây chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế trồng rừng thực hiện đo đạc và đã được Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng giao đất theo Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng. Tôi trao đổi với ông Liêm là thuê một đơn vị độc lập về đo đạc, kiểm tra xác minh đường ranh đất theo quyết định giao đất của tỉnh. Nếu như tôi lấn chiếm đất thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Đề nghị các cơ quan chức năng xác định lại ranh giới cắm mốc của các thửa đất. Nếu ai thực hiện sai thì đề nghị phải trả lại cái diện tích đất cho cho bên kia.

Ông Trần Huy, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: doanh nghiệp tư nhân Lê Tám được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất, thuê rừng theo Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 18/5/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích thuê đất và thuê rừng là 247,62 ha, trong đó có 5,79 ha đất không có rừng.

Người dân phản ánh bị doanh nghiệp lấn chiếm đất và tiếng nói người trong cuộc - Ảnh 1

Ông Trần Minh Liêm cho biết phần đất có sổ của gia đình ông hiện đang bị doanh nghiệp tư nhân Lê Tám lấn chiếm để trồng cà phê.

Ông Trần Huy cũng cho biết, ngày 27/9/2024, công chức địa chính xã nhận được đơn của ông Trần Minh Liêm theo đường bưu điện. Sau khi nhận được đơn của công dân, công chức địa chính xã đã mời ông Trần Minh Liêm lên làm việc để hướng dẫn cho gia đình ông bổ sung hồ sơ đăng ký đo đạc tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Di Linh để xác định ranh giới cụ thể, làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình ông và doanh nghiệp tư nhân Lê Tám.

“Thời gian tới, UBND xã Hòa Bắc sẽ tổ chức buổi làm việc giữa Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Di Linh và các bên có liên quan; đồng thời yêu cầu các bên cung cấp các hồ sơ tài liệu được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất và tiến hành đo đạc, xác định ranh giới và xử lý theo thẩm quyền theo quy định”- ông Trần Huy nói.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.