70 năm giải phóng Thủ đô

Người dân Quảng Nam lo mất đất canh tác vì sạt lở

CÔNG HUY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm nay, dọc bờ sông Bình Phước, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, xảy ra tình trạng sạt lở đất hoa màu của người dân, khiến hàng chục ha đất sản xuất bị cuốn trôi.

Dân mất đất canh tác
Nhiều năm trở lại đây, tình trạng sạt lở đất ven sông Bình Phước, đoạn chảy qua thôn Lạc Thành Đông, xã Điện Hồng diễn ra thường xuyên. Người dân không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng chục ha đất nông nghiệp đã bị “nuốt chửng”. Theo ghi nhận, hơn 1km bờ sông Bình Phước bị sạt lở, ăn sâu vào đất canh tác hoa màu của người dân địa phương, đồng thời tạo thành hàm ếch hoặc các vách dựng đứng cao từ 2-3 mét.  
Bà Nguyễn Thị Nga (45 tuổi, trú thôn Lạc Thành Đông) cho biết, tình trạng sạt lở này diễn ra dai dẳng từ nhiều năm trước. Những diện tích đất ven sông canh tác rau màu của gia đình bà và các hộ dân khác giảm dần qua từng mùa lũ.
Điểm sạt lở chỉ cách lán trại nhà bà Nguyễn Thị Nga chưa tới nửa mét. 
Chỉ tay vào lán trại nằm sát ngay bờ sông, bà Nga xót xa kể: “Cứ mỗi mùa mưa lũ đi qua là y rằng bờ sông bị sạt lở ăn sâu vào hàng chục mét. Riêng cái lán trại đã hai lần nằm dưới lòng sông, tôi mới dựng lại cách đây không lâu nhưng nó có thể bị đổ sập xuống sống bất cứ lúc nào không biết”.
Theo bà Nga, chừng 10 năm trước, gia đình bà có khoảng 6 sào đất để canh tác nhưng do sạt lở nhiều lần nay chỉ còn lại 2 sào. Đợt lũ lụt vừa rồi diện tích đất sản xuất của bà Nga cũng bị sạt lở hơn 2 mét và tạo thành hàm ếch. Bà Nga và nhiều người dân khác đã báo cáo lên chính quyền xã Điện Hồng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy các ngành chức năng có biện pháp giảm nguy cơ sạt lở đất canh tác cho bà con.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Hai (58 tuổi, cũng trú thôn Lạc Thành Đông) cho biết, khu vực mà bà đang đứng hiện tại trước đây là một xóm nhỏ với vài hộ sinh sống. Thế nhưng, lũ lụt hằng năm khiến cho lòng sông mở rộng vào khu dân cư nên người dân phải di dời đến nơi khác. Hàng chục ha đất nông nghiệp và nhiều phần mộ nằm trong khu vực này bị cuốn trôi. Vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng xấu đi, không chỉ làm mất đất mà còn đe dọa đến đời sống của người dân khu vực này.
“Thời gian gần đây, tôi thấy có nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh và trung ương về khảo sát, rồi hứa sẽ sớm triển khai các phương án giải quyết tình trạng sạt lở nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Mong muốn lớn nhất của tôi và người dân quanh đây là các cấp ngành chức năng sớm có giải pháp kè chống bờ sông để người dân an tâm ổn định cuộc sống”, bà Hai nói.

Một đoạn bờ sông Bình Phước sạt lở tạo thành bờ vực sâu.

Nan giải bài toán kinh phí
Ông Nguyễn Văn Hồng- Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, tình trạng sạt lở ven sông này đã xảy ra trong 20 năm qua, ăn sâu vào trong bờ khoảng 700m, di dời khoảng 50 hộ dân ở thôn Lạc Thành Đông đến chỗ ở khác.
Từ năm 1999 đến nay đã có khoảng 25 ha đất hoa màu của nhân dân bị sụp đổ xuống sông bồi lấp sang bờ đối diện, khiến dòng sông bị thay đổi dòng chạy và uốn cong. Trung bình mỗi năm sạt lở vào trong bờ từ 5 đến 10 mét. Ngoài ra, thôn Lạc Thành Tây của xã cũng bị sạt lở hàng trăm mét.
“Hiện xã Điện Hồng đã kiến nghị sự việc này lên lãnh đạo thị xã Điện Bàn cũng như tỉnh và đã có về khảo sát, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Tại khu vực này, hiện có khoảng 3.000 ngôi mộ và trụ điện đường dây 500KV có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ. Diện tích đất sản xuất hoa màu của bà con dọc bờ sông là khoảng 70ha”, ông Nguyễn Văn Hồng cho hay.

Bờ sông Bình Phước sạt lở đe dọa đến nhiều tích hoa màu của người dân.

Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, kinh phí là bài toán nan giải để làm bờ kè chống sạt lở. “Để kè 1 km kiên cố chống sạt lở chi phí lên tới 35 tỷ đồng. Hiện nguồn lực của thị xã Điện Bàn còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc triển khai khắc phục sạt lở. Tại những điểm sạt lở nhẹ thì thị xã Điện Bàn đã khắc phục tạm. Bên cạnh đó, lãnh đạo thị xã đã làm văn bản gửi cho UBND tỉnh Quảng Nam rồi tỉnh gửi ra Trung ương nhưng đến nay vẫn rất khó. Ước tính nếu làm kè cứng kiên cố toàn bộ điểm sạt lở trên địa bàn thị xã phải cần khoảng 1.000 tỷ đồng”, ông Chơi thông tin.
Lý giải nguyên nhân xuất hiện nhiều điểm sạt lở trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Chơi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do mùa mưa, nước lũ trên sông dâng cao, chảy xiết gây xói lở dọc hai bờ sông và kết cấu tầng đất dưới chủ yếu là đất cát, khi mực nước lũ trên thượng nguồn chảy về mạnh gây sạt lở.
Thiếu kinh phí đã trở thành rào cản khiến công tác khắc phục sạt lở trên địa bàn thị xã Điện Bàn khó khăn, dẫn đến số điểm sạt lở chưa được kè chống ngày càng nhiều hơn.