Dự án đã thổi hồn vào không gian lịch sử của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mang đến cho công chúng một trải nghiệm Trung thu vừa thơ mộng vừa kỳ bí, độc đáo.
Từ ngày 31/8/2024 đến ngày 17/9/2024, du khách sẽ có cơ hội đắm mình trong không gian huyền ảo tại Phòng khách – Khu thái học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi những câu chuyện về Trung Thu được tái hiện qua ngôn ngữ của nghệ thuật và làng nghề truyền thống.
Triển lãm “Tinh Quang Hội Nguyệt” không chỉ là một triển lãm nghệ thuật thông thường, mà còn là một hành trình trải nghiệm đa giác quan, nơi các giá trị truyền thống và đương đại gặp gỡ, cộng hưởng và tỏa sáng. “Dragon Sigma hiện đã có cơ sở 2: Dragon Sigma Hanoi - Tầng 2 - Số 171 ngõ 75 phố Trần Quang Diệu - Phường Quang Trung - Quận Đống Đa - Hà Nội. Dragon Sigma Saigon - tổ hợp All The Time Creative Playground - 42/58 Hoàng Hoa Thám, phường 7, Bình Thạnh”
Tác phẩm tranh sơn mài do anh Phạm Khắc Thắng ( họa sĩ- nghệ sĩ thị giác) thực hiện trực tiếp cho du khách khi tới triển lãm tham quan tìm hiểu và quan sát được quá trình vẽ tranh sơn mài tỉ mỉ.
Đồ án tốt nghiệp khóa DH19, khoa Mỹ thuật truyền thống, chuyên ngành Sơn mài của bạn Đinh Quang Hùng có sự hỗ trợ phát triển của họa sĩ Phạm Khắc Thắng đã xuất sắc giành vị trí Á khoa. Thiết kế vách ngăn decor sơn mài của Hùng không chỉ là tín hiệu vui cho thấy nghệ thuật sơn mài chưa bao giờ “già cũ” hay “thoái trào”, ngược lại là chất liệu màu mỡ để lớp trẻ khám phá và sáng tác. Vách ngăn decor bên cạnh tính thẩm mỹ và giá trị văn hóa, đã gây ấn tượng với sự độc đáo trong thiết kế và tính ứng dụng cao.
“ Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, mỗi Trung Thu đến lại được phá cỗ đêm trăng. Đó là hình ảnh tôi luôn thích thú nhất, nhiều sắc màu, tiếng nô nức cười vui của các bạn nhỏ. Bởi thế mong muốn lưu giữ những hình ảnh long lanh với sự sôi động này, tôi đã chuyển thể tác phẩm từ chất liệu bột màu dung dị sang chất liệu sơn mài với đa dạng chất liệu như cửu khổng, trai để tạo ánh xà cừ lấp lánh; những mảng sáng của trứng trong đêm trăng rằm; bập bùng ánh nến toả ra của những chiếc đèn lồng được vẽ bằng vàng, bạc, thiếc;…” anh Phạm Khắc Thắng chia sẻ.
Tại không gian lịch sử thiêng liêng của Văn Miếu, “Tinh Quang Hội Nguyệt” như một cây cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, mang đến một lễ hội Trung thu không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để sống lại những kỷ niệm đẹp, đồng thời lan tỏa thông điệp về sự bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống trong thời đại mới.