Người dân Thường Tín lạc quan bám ruộng trồng rau

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Thường Tín có 882ha đất trồng rau màu các loại, trong đó tập trung khoảng 300ha ở các xã Thư Phú, Hà Hồi, Tân Minh, còn lại rải rác ở các xã, mỗi ngày cung ứng cho thị trường hàng chục tấn rau. Mặc dù thời gian này rau xanh bị rớt giá nhưng người dân nơi đây vẫn miệt mài trồng những lứa rau mới.

Người dân xã Thư Phú miệt mài trồng rau vụ mới không cho đất nghỉ ngơi. Ảnh: Hữu Hải
Nhiều hộ thoát nghèo từ trồng rau
Khảo sát thực tế tại các địa phương của huyện Thường Tín những ngày này cho thấy, mặc dù sau Tết giá rau xanh các loại giảm khá sâu, tuy nhiên người dân nơi đây cho biết, lợi nhuận từ bán rau thời điểm này vẫn đem lại nguồn thu nhiều hơn so với trồng lúa. Chính vì vậy, người dân huyện Thường Tín vẫn miệt mài lao động, trồng, thu hoạch các loại rau, củ đã đến lứa để bán; tiến hành làm đất, chuẩn bị vụ mới, không cho đất nghỉ ngơi.

Dẫn phóng viên đi thực tế tại một số xứ đồng chuyên canh rau ăn lá của địa phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Hồi Từ Đức Toàn chia sẻ: Hà Hồi có 8 thôn với 3.115 hộ, hàng chục năm qua 90% các gia đình đều tham gia sản xuất, trồng rau xanh trên diện tích 81ha, nhà ít trồng 2 - 3 sào, nhà nhiều lên đến 10 sào. Nhờ có sự quan tâm đầu tư cho cây rau đã giúp nhiều hộ khá giả, hiện toàn xã chỉ còn 20 hộ nghèo.

Hồ hởi đón tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thìn (thôn Hà Hồi, xã Hà Hồi) cho biết, gia đình bà cũng như các hộ khác bám đất trồng rau, củ, quả từ hàng chục năm nay. Gia đình có 4 khẩu với gần 4 sào ruộng quanh năm trồng đủ các loại rau, như rau cải các loại, su hào, hành, tỏi, cà chua… "Xác định trồng rau là nghề chính, do vậy việc hàng năm giá cả bấp bênh cũng được coi là chuyện bình thường, chúng tôi phải chủ động trồng và thu hoạch. Bởi trồng rau dù sao vẫn lãi nhiều hơn cấy lúa. Không những vậy, nghề trồng rau còn tạo công ăn việc làm hàng ngày cho gia đình" - bà Nguyễn Thị Thìn chia sẻ.

Luân canh không để đất hoang

Tại xã Thư Phú, một trong những vựa rau lớn không kém xã Hà Hồi. Trên những thửa ruộng, nhiều hộ dân đang miệt mài thu hoạch rau, củ các loại để chuẩn bị cho lứa rau mới, không diện tích đất nào để hoang hóa, tránh lãng phí. Bà Văn Thị Lý (thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú) tâm sự, gia đình bà làm nghề trồng rau được 40 năm nay rồi. Việc giá rau, củ, quả lên xuống cũng là chuyện thường ngày trong mỗi vụ, nên không vì thế mà người dân dao động rời bỏ ruộng. “Cuối năm 2020 giá su hào bán buôn tại ruộng khoảng 4 - 5.000 đồng/củ (1 sào su hào khoảng 2.500 củ) cũng bán được 10 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí bỏ ra trồng 1 sào su hào trong 45 ngày cho lãi khoảng 5 triệu đồng/sào. Còn thời điểm sau Tết đến nay, giá su hào chỉ bán được khoảng 2.000 đồng/củ, giá gần bằng một nửa trước Tết, nếu so với trồng lúa vẫn lãi gấp 2 - 3 lần. Không chỉ có su hào, thực tế hiện nay đầu tư trồng các loại rau, củ khác cũng vậy” - bà Văn Thị Lý cho biết.

Chủ tịch UBND xã Thư Phú Lê Văn Tôn cho biết, hiện nay. toàn xã có gần 83ha đất trồng rau, trong đó có 52ha rau an toàn, chất lượng, chủng loại sản phẩm đa dạng theo mùa vụ. Từ nhiều năm qua, do người dân của xã đã trồng rau theo đúng quy hoạch với nhiều loại đan xen lẫn nhau, khi rau rớt giá sẽ không gây thiệt hại nhiều cho bà con. Thực tế cho thấy, thời điểm hiện nay đang là đầu tháng 3/2021, giá rau, củ khá thấp nhưng người dân địa phương chúng tôi coi tấc đất như tấc vàng, cứ thu hoạch rau, củ xong là trồng luôn các loại rau khác, không hộ dân nào bỏ đất hoang.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần