Người dân Xuân Dục khổ vì ô nhiễm môi trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm nay, người dân khu dân cư Bưu điện (xóm 2, thôn Xuân Dục, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) phải chung sống cùng khói bụi và mùi hóa chất bốc ra từ các cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn…

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Hoàng Thị Hoài - Tổ phó Tổ dân phố bức xúc: "Mỗi buổi chiều, các cơ sở sản xuất thi nhau xả khói ra môi trường. Khói bụi rồi mùi hóa chất từ cơ sở sản xuất ván ép, mùi sơn từ xưởng cơ khí bốc lên khiến tất cả các hộ dân ở khu này phải đồng loạt… đóng cửa. Đa phần người dân sinh sống tại khu tập thể này là người già và nghèo. Giá như có điều kiện thì chúng tôi cũng đã chuyển đi nơi khác từ lâu rồi…
Lò đốt của HTX Thiên Đức.
Lò đốt của HTX Thiên Đức.
Theo quan sát của chúng tôi, đây là khu tập thể có thể xếp vào hàng "siêu khổ" ở Hà Nội, tường rêu, mái cũ được vá víu bởi thập cẩm các loại vật liệu. Bao quanh khu nhà là sông Thiên Đức với thứ nước sền sệt đen, bốc mùi hôi thối và hàng loạt xưởng sản xuất cũ kỹ, ọp ẹp bụi khói bám đen nhèm…

Theo bà Nguyễn Thị Xuân - Tổ trưởng Tổ dân phố, chuyện ô nhiễm môi trường ở khu vực này diễn ra từ rất lâu, tổ dân phố đã nhiều lần có ý kiến phản ánh đến UBND xã Yên Thường. Tuy nhiên, phản ánh của người dân vẫn chưa được chính quyền sở tại lưu tâm. "Kỳ tiếp xúc cử tri vừa rồi, chúng tôi cũng đã nêu vấn đề nói trên với các ứng cử viên, nhưng sự việc đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có gì thay đổi" - bà Xuân cho biết. "Hàng đêm, tro khói từ lò của các xưởng sản xuất bay sang làm tôi tức ngực không sao ngủ được" - bà Hoàng Thị Hoài "tố" thêm!

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về vụ việc này, ông Trần Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thường nói: "Cuối tháng 4 vừa qua, cán bộ môi trường huyện kết hợp với chính quyền xã đã đi khảo sát các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, thôn Xuân Dục là địa bàn tiếp giáp giữa địa phận Yên Thường và xã Yên Viên, một số cơ sở sản xuất lại thuộc địa phận Yên Viên nên chúng tôi không nắm được. Hiện nay, trên địa bàn thôn Xuân Dục có xưởng sản xuất giấy, ván ép của Hợp tác xã Thiên Đức. Nhưng mấy năm trước, họ đã di dời bộ phận sản xuất ván ép lên tỉnh Bắc Ninh, nay chỉ còn lại một dây chuyền tái chế giấy bìa. Hiện nay, Hợp tác xã Thiên Đức cho Công ty giấy Mỹ Lan thuê làm xưởng sản xuất, nhưng cơ sở này chỉ đóng gói giấy nên không có gì ảnh hưởng đến môi trường.

Cứ như cách lý giải của ông Phó Chủ tịch xã Yên Thường, có lẽ chuyện ô nhiễm môi trường ở khu dân cư Bưu điện là do người dân "thêu dệt" cũng nên (?). Theo lý giải của người dân, đây chính là một trong những "thủ phạm" gây ra ô nhiễm môi trường. Một người dân ở đây chia sẻ: "Các anh muốn biết mức độ ô nhiễm ở đây đến mức nào, xin mời qua khu dân cư chúng tôi ngủ một đêm thì rõ hết" (!).

Thủ phạm gây ô nhiễm là ai? Mức độ ô nhiễm tại khu dân cư Bưu điện đến đâu? Đó là những câu hỏi rất cần UBND xã Yên Thường, UBND huyện Gia Lâm và ngành TN&MT sớm làm rõ.           

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần