Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người đi bộ vi phạm giao thông: Chế tài có nhưng khó thực hiện

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chế tài xử phạt đã tăng nặng hơn nhưng tình trạng người đi bộ vi phạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Theo luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư Hà Nội, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức của nhiều người đi bộ chưa cao, còn tâm lý chủ quan, tùy tiện.

Tình trạng người đi bộ tùy tiện băng qua đường vẫn rất phổ biến. Ảnh: Quý Nguyễn
Vi phạm tràn lan
17 giờ 30 phút ngày 17/12, đường Nguyễn Trãi đông như mắc cửi. Đã từ lâu, cứ vào giờ cao điểm là tuyến đường này lại rơi vào tình trạng ùn ứ cục bộ ở các nút giao và khu vực các cổng trường đại học. Tại đoạn gần nút giao Nguyễn Trãi – Triều Khúc, một nam thanh niên điều khiển xe máy vừa vượt lên khỏi đám đông, tăng ga định phóng đi thì từ bên kia đường, một nữ sinh viên băng qua, trèo lên dải phân cách rồi xồng xộc lao vào trước đầu xe với ý định sang đường. Tình huống bất ngờ khiến nam tài xế đi xe máy bóp phanh dúi dụi, chiếc xe loạng choạng đổ xuống đường. May mắn là các phương tiện khác đã kịp giảm ga, đạp phanh nên không có va chạm nào đáng tiếc xảy ra. Nam tài xế lồm cồm bò dậy thì nữ sinh kia đã cao chạy xa bay.
Việc đưa ra các chế tài xử phạt với người đi bộ vi phạm giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, không phải cứ phạt thật nặng là sẽ có hiệu quả mà quan trọng nhất là cải thiện hạ tầng giao thông cho thuận tiện với người đi bộ thì vi phạm sẽ giảm. Bởi hiện nay, hạ tầng giao thông của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người đi bộ.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy
Đây chỉ là một trong số vô vàn tình huống người đi bộ qua đường vô tội vạ đang diễn ra trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội. Thậm chí, tại nhiều điểm như Bách hóa Thanh Xuân, cổng trường Đại học KHXH&NV, cổng trường Đại học Thủy lợi, cổng Bệnh viện Bạch Mai... dù đã có cầu đường bộ nhưng rất nhiều người đi bộ vẫn hồn nhiên băng cắt qua đường, bất chấp hành vi ấy có thể gây nguy hiểm cho người khác và chính bản thân họ.

Anh Bùi Văn Sơn – một lái xe ôm hoạt động tại đầu phố Triều Khúc cho biết, tình trạng người đi bộ băng qua đường tại khu vực này diễn ra như cơm bữa. “Hầu hết những trường hợp này đều là sinh viên. Cũng có một số ít người rất nghiêm túc, qua đường tại nơi có vạch sơn kẻ ngang. Số còn lại đều băng qua đường rất tùy tiện, chẳng cần quan tâm đến xe cộ chạy trên đường” - anh Sơn nói.

Lái xe ôm này cho biết thêm, do đoạn gần đối diện với cổng Đại học Hà Nội có một điểm dừng xe buýt nên vào giờ cao điểm, rất nhiều sinh viên vội vàng bắt xe đã lao qua đường vô cùng nguy hiểm. Không ít vụ va chạm giữa người đi bộ và xe máy trên đường đã xảy ra. Khi được hỏi tại sao không dùng cầu dành cho người đi bộ để qua đường mà băng cắt giữa các làn xe, một nam sinh viên trường Đại học KHXH&NV trả lời rất hồn nhiên rằng do “ngại trèo”, “mất thời gian” và “nhiều người đi có ai bị phạt đâu”. Chính vì tâm lý đó, rất nhiều cầu vượt đường bộ được đầu tư hiện đại, tốn kém ở các khu vực cổng trường đại học, bệnh viện, trung tâm thương mại... sau một thời gian đưa vào sử dụng vẫn vắng bóng người hoặc trở thành nơi cho các bạn trẻ đứng... ngắm đường.

Khó xử phạt

Từ ngày 1/1/2018, theo quy định mới của Bộ luật Hình sự, người đi bộ băng qua đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có nguy cơ bị phạt tù ở khung cao nhất là 15 năm tù giam. Luật cũng quy định rất rõ ràng, người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường hoặc cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn. Ngoài ra, người đi bộ không vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy...

Như vậy, trong quy định mới về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mà còn được mở rộng ra về người nào tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đã gần một năm trôi qua kể từ khi những quy định mới của Bộ luật Hình sự có hiệu lực, tình trạng người đi bộ vi phạm giao thông ở Hà Nội vẫn rất phổ biến.

Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc tăng chế tài xử phạt đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông, đặc biệt là hành vi băng qua đường một cách tùy tiện là điều rất cần thiết và kịp thời để ngăn chặn vi phạm. Tuy nhiên, để lực lượng chức năng có thể xử phạt hết tất cả những trường hợp người đi bộ vi phạm lỗi này là rất khó. “Nếu người đi bộ vi phạm ở những tuyến đường cấm đi bộ thì hành vi đã quá rõ ràng, trách nhiệm của người đi bộ trong vụ tai nạn là rất rõ. Nhưng nếu người đi bộ liên quan đến một vụ tai nạn giao thông ở đường hỗn hợp thì để xác định rõ lỗi của người vi phạm khá phức tạp. Cần phải làm rõ người đi bộ có phải là nguyên nhân chính gây ra hậu quả nghiêm trọng, từ đó mới có căn cứ để buộc tội” - luật sư Ứng nhận định.

Đối với những lỗi vi phạm thông thường của người đi bộ mà không liên quan đến vụ tai nạn nào, Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, để phát hiện và xử phạt những trường hợp này còn khó hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh giao thông Hà Nội hiện nay đang phức tạp và rất đông đúc, lực lượng CSGT chỉ tập trung vào việc phân luồng, điều tiết giao thông và xử lý các lỗi vi phạm đối với người điều khiển phương tiện đã quá tải.