Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người đưa pháp luật đến gần với người dân hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là Trưởng Văn phòng Luật sư (LS) Hà Lan và Cộng sự, LS Nguyễn Văn Hà luôn dành một nửa thời gian của mình trợ giúp pháp lý miễn phí cho Nhân dân.

Anh tâm sự: “Tôi luôn mong muốn pháp luật đến gần với người dân hơn, đặc biệt với nhóm người yếu thế”.

Luôn đồng hành với người yếu thế

Thật khó có thể tin rằng, một LS bận bịu lại có thể dành nhiều thời gian để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý, đặc biệt dành cho nhóm người yếu thế, bởi anh đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong Đoàn LS Hà Nội. Ở tuổi 40, LS Nguyễn Văn Hà đang là Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đoàn LS Hà Nội, nên có nhiều cơ hội tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý của đoàn viên thanh niên trong Đoàn LS Hà Nội đến với người dân, đặc biệt với nhóm người yếu thế. Anh chia sẻ: “Người khiếm khuyết, yếu thế ít được tiếp cận với pháp luật, vì vậy, với vai trò, nhiệm vụ là LS, chúng tôi muốn chia sẻ, cảm thông với nhóm đối tượng này, để họ hiểu được pháp luật luôn tôn trọng tất cả mọi người. Đây cũng là vinh dự, trách nhiệm của đội ngũ LS”.
Luật sư Nguyễn Văn Hà tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên Hội Người mù TP Hà Nội ngày 4/8/2016.
Luật sư Nguyễn Văn Hà tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên Hội Người mù TP Hà Nội ngày 4/8/2016.
Gặp anh tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên Hội Người mù TP Hà Nội hồi đầu tháng 8 này, chỉ kịp chào hỏi, anh đã vội lên “đứng lớp”. Dù đối tượng anh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật là người khiếm thị, nhưng anh muốn cập nhật, truyền tải đến với họ những nội dung pháp luật quan trọng, đặc biệt là những điểm mới liên quan đến người khuyết tật. Đồng thời, chia sẻ để họ hiểu được pháp luật luôn tôn trọng mọi người, giúp họ nhận thức rõ trách nhiệm và quyền lợi của công dân trước pháp luật.

“Chạy sô” tuyên truyền pháp luật... miễn phí

Ngoài việc tổ chức định kỳ các hoạt động từ thiện, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đoàn viên thanh niên trong Đoàn LS Hà Nội tham gia, trung bình mỗi tháng, LS Nguyễn Văn Hà “chạy sô” thêm khoảng 5 - 7 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí cho Nhân dân. Đồng thời, tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế ở các vụ án theo sự phân công của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội - nơi anh làm cộng tác viên. Anh chia sẻ, muốn nâng cao vị thế LS và nghề LS thì cần cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng tốt nhất cho khách hàng, dù có thu phí hay miễn phí, không phân biệt những người yếu thế, những đối tượng cần được xã hội quan tâm, chia sẻ.

14 năm hành nghề LS, anh đã tham gia nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người nghèo, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ chưa thành niên, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần, người có công với cách mạng; hàng trăm buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí cho Nhân dân. Quá trình tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý cũng như khi tham gia tuyên truyền pháp luật, điều làm LS Hà trăn trở, đó là tình trạng có nhiều người dân còn mơ hồ về pháp luật, vì vậy trong nhiều trường hợp, đã có những sự việc đáng tiếc xảy ra và để lại hậu quả đau lòng. Điều này khiến anh càng thêm tâm huyết với công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật.

Nhiều vụ án trợ giúp pháp lý được LS Hà tư vấn và bào chữa thành công, trong đó phải kể đến vụ án dân sự “Tranh chấp chia thừa kế” liên quan đến khối di sản nhà đất khu vực đường Trường Chinh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa có diện tích gần 54m2. Anh đảm nhận vai trò là LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là chị Phạm Ánh Nguyệt, nạn nhân chất độc da cam bị tật nguyền tại 2 cấp xét xử là cấp sơ thẩm của TAND TP Hà Nội và cấp phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội (nay là TAND cấp cao tại Hà Nội); đồng thời anh còn tham gia đại diện ngoài tố tụng giai đoạn thi hành án. Đây là vụ án kéo dài tới 7 năm, giai đoạn 4 năm đầu có tới 5 LS tham gia nhưng không thành công. LS Hà tham gia giai đoạn 3 năm sau của vụ án theo sự phân công của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội và đã đòi lại được công bằng cho cô gái tật nguyền này. Tháng 6/2013, vụ án được giải quyết dứt điểm, cô gái tật nguyền - nạn nhân chất độc da cam đã thắng kiện. Cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Ánh Nguyệt, buộc phía bị đơn là người cô ruột phải trả cho chị Nguyệt số tiền 4,1 tỷ đồng. Quá trình đàm phán có sự tham gia của LS trong giai đoạn thi hành án, các bên đã hòa giải được với nhau. Hiện tại, cô gái tật nguyền này đã có chỗ ở ổn định thay vì phải ở nhờ nhà chùa như trước đây.
Với trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp, LS Nguyễn Văn Hà đã nhận được nhiều Bằng khen, danh hiệu, trong đó có danh hiệu “LS vì cộng đồng” được Bộ Tư pháp trao tặng nhằm ghi nhận công sức đóng góp của anh trong hoạt động tư pháp, đóng góp cho cộng đồng, đối tượng yếu thế.