Ngay sau đó, chị Duyên tiếp tục nhận được tin nhắn xin lại 30.000 đồng từ một thuê bao của Viettel. Không chút nghi ngờ, chị Duyên đã soạn tin nhắn gửi trả 30.000 đồng cho số thuê bao này, nhưng khi kiểm tra lại tài khoản, chị mới biết không có ai chuyển nhầm tiền vào tài khoản của mình. Số tiền 100.000 đồng mà chị vừa nạp, chưa gọi và nhắn tin lần nào đã chỉ còn 70.000 đồng. Nhiều khách hàng của Viettel, VinaPhone cho biết thường xuyên nhận được những tin nhắn tương tự. Kịch bản của những kẻ chuyên nhắn tin lừa đảo là giả đầu số tổng đài nạp tiền nhắn cho nạn nhân để xin lại số tiền đã "chuyển nhầm". Số tiền không quá lớn, tối đa cho một lần chuyển qua tin nhắn giả danh của nhà mạng là 30.000 đồng, nên các nạn nhân thường mất cảnh giác, không kiểm tra lại tài khoản.
![]() Nội dung tin nhắn lừa đảo mà chị N.T. Duyên nhận được.
|
"Nếu tinh ý, các chủ thuê bao sẽ thấy các đầu số nhắn tin lừa đảo thường là số sim rác, hoặc đầu số lạ. Chỉ cần gọi điện tới tổng đài, hoặc vào trang web của nhà mạng, khách hàng có thể biết rõ đầu số nhắn tin đó có đáng tin cậy hay không" - Phó Trưởng phòng kinh doanh Công ty VinaPhone Nguyễn Sơn Hải khuyến cáo. Đặc biệt, theo ông Hải, không nên nhắn tin đến các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn nếu bản thân người sử dụng chưa hiểu rõ ràng hoặc không nắm chắc thông tin về dịch vụ và giá cước dịch vụ.Bản thân người dùng điện thoại cũng có thể chủ động chặn những tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo bằng cách cài đặt vào điện thoại các phần mềm có tính năng chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn như: Phần mềm Bkav Mobile Security có hỗ trợ tính năng chặn tin nhắn theo nội dung, phần mềm CMC Mobile Security cho phép chặn tin nhắn rác từ những số điện thoại không mong muốn… Dù vậy, theo phản ánh của người sử dụng, ngay cả khi cài đặt các phần mềm này thì tin nhắn rác vẫn có thể lọt, nên để ngăn chặn triệt để, các doanh nghiệp thông tin di động phải chặn từ nguồn, tức là đưa ra những giải pháp kỹ thuật để chống tin nhắn giả mạo gửi qua mạng.