Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Hà Nội ngày càng ưa chuộng chung cư xanh

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng tại “Hội thảo công nghệ, giải pháp kỹ thuật và cơ chế hỗ trợ tài chính cho công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh tại Việt Nam”.

Hội thảo được Bộ Xây dựng, Vụ Khoa học, công nghệ môi trường, Tổ chức tài chính quốc tế - Ngân hàng thế giới và Panasonic đồng tổ chức vào chiều nay (25/11).

Thực tế, các tòa nhà thương mại sử dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng bán chạy hơn nhiều so với các tòa nhà không sử dụng, khẳng định nhu cầu thị trường, người sử dụng đã nhận biết rõ lợi ích khi ở trong các căn hộ, ngôi nhà “xanh” tiết kiệm. Cụm từ “chung cư xanh” thời điểm hiện tại không chỉ mặc định cho những căn hộ hạng sang thuộc phân khúc cao cấp mà còn là điểm nhấn của các chung cư giá rẻ và nhà ở xã hội.
 Ông Masaaki Kobayashi, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam cho rằng những tòa nhà “Xanh” và “Thông minh” sẽ đạt được hệ số Tiết kiệm năng lượng dẫn đầu thị trường, tạo ra không gian sống “Xanh” cho sức khỏe người sử dụng.

Công trình xanh, tiết kiệm năng lượng tại các nước phát triển và đang phát triển có triển khai đã khẳng định lợi ích thiết thực đối với xã hội, người sử dụng và nhà đầu tư. Chính phủ các nước đều đã và đang đưa các quy định kỹ thuật đối với công trình xanh và tiết kiệm năng lượng vào các yêu cầu khi đầu tư xây dựng công trình. Tại Nhật Bản, các quy định về tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà đã bắt đầu được đề cập trong Luật bảo toàn năng lượng năm 1979. Thực thi cam kết Kyoto, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai các dự án xây dựng và tiết kiệm tới 5,3 tỷ USD/năm đồng thời cắt giảm 34 triệu tấn khí tải C02 trong năm 2010. Nhà của người dân tự thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng đã tăng từ 13% vào năm 2000 lên 32% năm 2004, các tòa thương mại áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng tăng từ 34% năm 1999 lên 74% năm 2004. Cùng với Nhật Bản, các nước khác như Đức, Singapore…cũng đã có xu hướng phát triển nhà ở công trình xanh, tiết kiệm năng lượng tương tự.

Tại Việt Nam nhằm triển khai việc sử dựng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà và phát triển công trình xanh, từ năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam 09/2005/BXD – Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đến năm 2013 quy chuẩn này được xem xét bổ sung và chỉnh sửa, thay thế bằng Quy chuẩn Việt Nam 09/2013/BXD – Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong đó các quy định kỹ thuật bắt buộc đã được đề cập chi tiết khi thiết kế và thi công xây dựng nhà ở bao gồm: lớp vỏ công trình, thông gió, điều hòa không khí , chiếu sáng, thang cuốn, thang máy, Sử dụng điện năng và Hệ thống đun nước nóng.

Ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: “Các tòa nhà hiện tiêu tốn tới hơn 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng ở những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam, nên việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các công trình xây mới là một đòi hỏi cấp thiết. Để cung cấp các thiết bị, giải pháp giúp công trình tiết kiệm năng lượng và công trình xanh hiện nay trên thị trường Việt Nam đã có nhiều nhà cung cấp các thiết bị, sản phẩm, giải pháp tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà trong đó có tập đoàn Panasonic. Bộ luôn chú trọng thúc đẩy các công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả và đánh giá cao nỗ lực của Panasonic trong việc phát triển giải pháp tổng thể cho các nhà đầu tư xây dựng bất động sản để phát triển thêm nhiều tòa nhà Xanh tại Việt Nam”.

Ông Masaaki Kobayashi, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam phát biểu trong hội thảo: “Với mục tiêu đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và giúp các nhà đầu tư xây dựng bất động sản nâng cao lợi thế cạnh tranh thông qua tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và đạt các tiêu chí công trình xanh; Panasonic đã giới thiệu về Giải pháp tổng thể cho toàn bộ công trình dựa trên sự phối hợp hiệu quả giữa phương pháp xây dựng tiên tiến và hệ thống giải pháp kỹ thuật đồng bộ. Với Giải pháp tổng thể này, những tòa nhà “Xanh” và “Thông minh” sẽ đạt được hệ số Tiết kiệm năng lượng dẫn đầu thị trường, tạo ra không gian sống Thoải mái và An toàn cho sức khỏe người sử dụng".

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thu Nhàn, Quản lý Chương trình Công trình xanh Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế châu Á có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 20 năm qua (bình quân 7,5%).

Trong vòng 10 năm qua, tăng trưởng xây dựng bình quân đạt 12%, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng 14% - nhanh hơn tốc độ tăng GDP. Dự tính đến năm 2035 sẽ tăng 30% so với năm 2010. Mức tăng này tương đương có thêm 1 nước Mỹ và 1 nước Trung Quốc nữa trên thế giới. Trước tình hình này, việc khuyến khích chủ đầu tư bất động sản áp dụng các tiêu chuẩn “xanh” cho dự án là rất cần thiết.

Bà Nhàn chỉ ra rằng: Theo tính toán, các công trình xanh (CTX) sẽ tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20-40% chi phí vận hành mỗi tháng, nhờ thiết kế thông minh, quy trình vận hành được tính toán kỹ.

Thị trường xây dựng Việt Nam dự kiến sẽ đạt giá trị 14 tỷ USD vào năm 2021, trong đó gia tăng phân khúc nhà ở mật độ xây dựng cao và nhà cao cấp có mật độ xây dựng thấp. Vấn đề đặt ra là làm sao để nhân rộng những công trình như trên và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các dự án xanh. Thêm vào đó là cần một công cụ đánh giá toàn diện, đơn giản, dễ dùng về công trình xanh, chính xác và tiết kiệm tài chính.