Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Hà Nội săn hàng "made in Vietnam" khi trời lạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vài năm trước khi mới xuất hiện, những biển hiệu gắn chữ “Made in Việt Nam” sẽ là sự đảm bảo về chất lượng đối với những người tiêu dùng thích hàng bền với giá "mềm".

KTĐT - Vài năm trước khi mới xuất hiện, những biển hiệu gắn chữ “Made in Việt Nam” sẽ là sự đảm bảo về chất lượng đối với những người tiêu dùng thích hàng bền với giá "mềm".

Điểm mua sắm “nóng” nhất của người Hà Nội và không ít khách nước ngoài tập trung ở những cửa hàng VN xuất khẩu.

Sớm hơn thường lệ, ngay từ giữa tháng 10, Hà Nội đã đón những đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên. Bên cạnh sự xuất hiện sớm hơn của những gánh ngô, khoai nướng bán dọc các phố, người Hà Nội và không ít du khách nước ngoài đã vội vàng đi mua sắm quần áo ấm. Có lẽ do không “lường” được trận gió mùa đến sớm, nhiều cửa hàng trên phố Hà Nội chỉ kịp “đánh” hàng Thu mà chưa có hàng Đông khi vẫn chỉ bày bán quần áo dài tay và một vài “mẫu” áo khoác từ năm ngoái.

Dọc phố Hàng Gà, Hàng Lược, Kim Mã hay trên phố Hàng Nón, hiện rất ít mẫu áo khoác “ấm”  mới, chủ yếu vẫn là áo thun, áo khoác mỏng cùng nhiều loại áo vest cách điệu. Do vậy, điểm mua sắm “nóng” nhất của người dân Hà Nội những ngày qua tập trung ở những cửa hàng quần áo Việt Nam xuất khẩu.

“Tây” lẫn “Ta” lùng hàng “Made in Việt Nam”

Chiều ngày 28/10, tại các cửa hàng Made in Việt Nam tại số 82 Hàng Điếu, 27 – 29 Phan Đình Phùng (quận Hoàn Kiếm), khách đến mua sắm ra vào không ngớt, tấp nập kéo dài từ đầu giờ chiều cho đến tận tối. Đặc biệt, không chỉ người Việt Nam mà rất đông người nước ngoài cũng đến “săn” hàng Việt Nam chất lượng cao.

Người Hà Nội săn hàng "made in Vietnam" khi trời lạnh - Ảnh 1

Mua sắm hàng Made in Việt Nam trên phố Phan Đình Phùng.

Các mặt hàng quần áo tại đây khá phong phú từ áo thun, áo len, áo khoác mỏng, áo nỉ cho đến áo blu-dông, áo phao, áo khoác dày chất liệu ka ki dành cho người lớn và trẻ con với giá cả tương đối “mềm”. Áo khoác blu–dông nam, nữ giá dao động trong khoảng 450.000 – 650.000 đồng/chiếc. Áo khoác chất liệu ka ki may 2 lớp từ 350.000 – 550.000 đồng/chiếc. Áo len giá 75.000 – 255.000 đồng/chiếc. Đắt nhất là áo phao với giá trên 1 triệu đồng/chiếc. Quần áo trẻ em mỗi cái cũng có giá từ vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng.

Theo chị Hòa (đường Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội), đang mua hàng tại cửa hàng số 27 Phan Đình Phùng, cho biết hàng Made in Việt Nam mẫu mã đơn giản nhưng chất liệu rất bền, ấm, giá lại khá mềm nên thường là “lựa chọn số một” của chị khi mua quần áo mùa rét. Bạn Hạ Vi (học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) cũng chia sẻ, nếu khéo chọn sẽ "tậu" được những mẫu áo khoác khá đẹp mà bền, giá cả lại phải chăng.

Người Hà Nội săn hàng "made in Vietnam" khi trời lạnh - Ảnh 2

... trên phố Hàng Điếu

Theo “tiết lộ” của chị H (nhân viên bán hàng Made in Việt Nam tại 82 Hàng Điếu), những ngày qua, các loại áo khoác chất liệu blu-dông, ka ki ở cửa hàng tiêu thụ rất tốt. Do trời trở lạnh nên người dân đi tìm mua quần áo rét đông thấy rõ. Lý do khiến nhiều người lựa chọn hàng Made in Việt Nam theo chị H là do chất liệu của hàng xuất khẩu thường dày dặn, bền. Thứ hai là giá cả của những mặt hàng này khá mềm so với những mặt hàng nhập từ Trung Quốc nhưng chất liệu không đẹp bằng.

Không hiếm hàng giả

Vài năm trước khi mới xuất hiện, những biển hiệu gắn chữ “Made in Việt Nam” sẽ là sự đảm bảo về chất lượng đối với những người tiêu dùng thích hàng bền với giá "mềm". Song vài năm trở lại đây, theo nhiều chủ hàng, buôn bán loại quần áo Việt Nam xuất khẩu này không còn “kỳ công” như trước khi việc lấy mẫu rồi đặt may ngoài không phải là hiếm.

Trước đây, giới kinh doanh hàng thời trang xuất khẩu trong nước phải rất vất vả, khó khăn trong việc tìm kiếm sản phẩm, nguồn hàng vì hàng chủ yếu là những sản phẩm thừa, lỗi được các công ty may trong nước bán thanh lý sau khi hàng đã xuất đi, từ vài trăm đến cả nghìn sản phẩm. Nhưng phần lớn là cỡ của người châu Âu nên không phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Người Hà Nội săn hàng "made in Vietnam" khi trời lạnh - Ảnh 3

Tối muộn cửa hàng trên phố Phan Đình Phùng cũng có người đến mua.

Chưa kể đến việc biết để đến thu mua, “ôm” được những lô hàng như trên cũng không dễ đối với giới kinh doanh nhỏ lẻ bởi, các công ty may thường ưu tiên cho những đầu mối lớn, có khả năng bao tiêu được toàn bộ lô hàng khi có yêu cầu.

Theo chị Nguyễn Thanh H chủ cửa hàng Made in Việt Nam trên phố Sơn Tây (Hà Nội), hiện nay, nguồn hàng Made in Việt Nam có thể lại lấy từ các bạn hàng. Chưa kể, nhiều cửa hàng có thể lấy mẫu rồi đi đặt may sau đó dán tem, nhãn mác “Made in Việt Nam”. Chất liệu của những sản phẩm “nhái” này, theo chị H, tất nhiên là không thể bền như hàng Việt Nam xuất khẩu “xịn”, sau một thời gian mặc có thể bị giãn, phai màu…

Tuy nhiên, chị H cho biết, người tiêu dùng phải biết sản phẩm thật và phải thật tinh ý mới có thể phát hiện được những sản phẩm “nhái”. Bởi lẽ, hiện nay nhiều cửa hàng đã có thể may, cắt được những đường may đẹp như hàng “xịn”. Bên cạnh đó, do giá cả hàng Made in Việt Nam khá rẻ, có sản phẩm chỉ có vài chục nghìn đồng nên không có một tiêu chuẩn hay một sự đảm bảo nào đối với các cửa hàng. Thương hiệu “Made in Việt Nam” là do giới kinh doanh chủ động chứ không có đại lý phân phối nào cả nên không có tiêu chuẩn để đánh giá.

“Hiện nay có quá nhiều cửa hàng “Made in Việt Nam” tại Hà Nội. Nhưng có phải là hàng Việt Nam xuất khẩu thật không có lẽ không thể biết được. Người tiêu dùng nên chọn sản phẩm phù hợp với “túi tiền” và xem kỹ chất liệu vải cũng như đường kim mũi trước khi quyết định mua”, chị Huyền tư vấn.