Người Hà Nội tất bật lễ đầu năm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Việt vẫn luôn tâm niệm "Lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng", chính vì vậy, trong những ngày này, tại Hà Nội, người dân tất bật chuẩn bị cho lễ cúng cầu an, cầu phúc đầu năm.

Lễ chùa cầu an

Từ lâu, đi lễ chùa đầu năm cầu cho "quốc thái dân an", cầu cho bản thân, gia đình và người thân gặp những điều tốt đẹp, may mắn đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống tâm linh và nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Vì thế, cái lạnh xấp xỉ 10 độ C trong những ngày Rằm tháng Giêng năm nay vẫn không ngăn được dòng người đổ về các chùa làm lễ ngày một đông. 

 
Người dân thành tâm hành lễ tại chùa Phúc Khánh.     Ảnh: Phạm Hùng
Người dân thành tâm hành lễ tại chùa Phúc Khánh. Ảnh: Phạm Hùng
Từ hơn một tuần trước, ngày Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch, tức 14/2/2014) các đền, chùa, phủ tấp nập người vào ra. Tại một số điểm như: Chùa Quán Sứ, Phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Phúc Khánh, chùa Pháp Vân… lượng khách đến chùa những ngày này lên đến con số hàng ngàn. Tại chùa Phúc Khánh, từ tối 14 tháng Giêng, hàng ngàn người đã ngồi chật kín từ trong chùa ra đến cầu vượt Ngã Tư Sở, tràn cả ra đầu đường Thái Thịnh. Nếu ở chùa Phúc Khánh, chủ yếu là người dân Hà Nội dự lễ cầu an, thì ở Phủ Tây Hồ, 9 giờ sáng ngày rằm đã chật ních khách hành hương từ khắp mọi nơi đổ về. Bãi trông xe như được nêm kín xe đạp, ô tô của khách ngoại tỉnh. Chị Hoàng Minh (Nghệ An) cho biết: "Năm nào tôi cũng đến phủ Tây Hồ dâng lễ đầu năm, nhưng năm nay đông quá, cố mãi mà chưa mượn được chiếc mâm đặt lễ". Trên phố Quán Sứ, tiếng chuông mõ thỉnh cứ vang lên lanh lảnh, hàng vạn tăng ni Phật tử chắp tay hướng về trung tâm ngôi chùa linh thiêng, nơi các nhà sư đang hành lễ. Dòng người đông đúc xếp hàng tràn xuống cả những con phố xung quanh, khiến giao thông nơi đây luôn ở trong tình trạng tắc nghẽn. Do ngày Rằm tháng Giêng năm nay rơi vào ngày đi làm, chính vì vậy, ai ai cũng có vẻ vội vàng gửi xe, vội vàng sắp lễ, vội vàng khấn để cho kịp trở về cơ quan trong ngày cận cuối tuần. 

Các dịch vụ ăn theo tăng giá

Đánh vào nhu cầu lễ chùa đầu năm, rất nhiều dịch vụ ăn theo đã đua nhau tăng giá. Mặc dù, theo giá niêm yết vé gửi xe của Cục Thuế Hà Nội là 3.000 đồng/1 xe máy, nhưng chủ trông giữ xe đương nhiên thu 5.000 đồng/xe máy mà không cần giải thích. Không những thế, bãi giữ xe luôn trong tình trạng quá tải, nếu khách kỳ kèo, người trông xe sẵn sàng từ chối. Dịch vụ viết sớ đầu năm cũng tăng gấp đôi so với ngày thường, 3 lá sớ được viết với giá 60.000 - 80.000 đồng. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cấm mọi hình thức trao đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, nhưng các quầy đổi tiền vẫn được bày biện công khai trong tủ kính với mức chênh lệch "10 ăn 7" (10.000 đồng tiền chẵn, lấy 7.000 đồng tiền mệnh giá 500 đồng và 1.000 đồng). Chính vì vậy, tiền lẻ vẫn được cài giắt khắp các ban thờ, tượng Phật. Giải thích hình ảnh vi phạm ngang nhiên mà không được xử lý, ông Trương Công Đức - Trưởng Ban quản lý Phủ Tây Hồ cho biết: "Chúng tôi cũng nắm được văn bản của Ngân hàng Nhà nước, nhưng do chưa có chế tài xử phạt nên hành động đổi tiền ăn chênh lệch của các chủ hàng mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở".

Năm nay, tại các cửa chùa bán nhiều sinh vật cảnh như rùa đá, cá cảnh, chim sẻ… để khách thập phương mua và thực hiện hình thức phóng sinh, lấy phúc đầu năm. Chùa, đền dù to hay nhỏ đều tổ chức khóa lễ, nhà nhà sắp cơm, chút hương hoa thơm cúng tổ tiên, khiến giá cả một số loại hàng hóa, dịch vụ tăng đột biến. Một cặp trầu cau có giá 4.000 - 6.000 đồng; một cành hoa cúc có giá từ 2.000 -3.000 đồng, hoa hồng cũng tăng lên so với ngày thường, tới 1.000-2.000 đồng/bông. Mỗi lần dâng lễ cầu an ở chùa Quán Sứ, Hòa Mã, Phủ Tây Hồ, có giá từ 100.000 - 300.000 đồng cho một hộ gia đình; gặp "sao xấu", muốn "giải", tín chủ phải bỏ ra từ 50.000 - 100.000 đồng/người. Dù vậy, không mấy ai do dự bởi họ cho rằng được dâng sớ lên các chùa lớn trong ngày Rằm tháng Giêng đã là điều phúc.

Đi lễ chùa đã là nét đẹp văn hóa và không ai nỡ ngăn cản những người thành tâm lễ Phật, cầu mong điều phúc. Nhưng "Phật pháp tại tâm" chứ không nằm ở mâm cao cỗ đầy, hay nhiều lễ vật, vàng mã... Cầu an, cầu phúc đầu năm là nét văn hóa tâm linh của người Việt nên được duy trì và gìn giữ, song cũng không nên "chạy theo" nó để tạo nên tâm lý đám đông, tạo điều kiện cho các dịch vụ "ăn theo" có cơ hội trăm hoa đua nở.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần