Vào những ngày Tết Nguyên đán 2025 cận kề, nhiều gia đình đã tụ họp, quây quần ngồi bên nhau gói bánh, canh bếp lửa chờ bánh chưng chín.
Xã hội ngày càng phát triển và mọi thứ đều có thể mua được ở chợ hay siêu thị, tuy nhiên nhiều gia đình tại Thủ đô Hà Nội vẫn giữ gìn truyền thống tự tay nấu bánh chưng ngày Tết.
Bánh chưng phải nấu liên tục trong 12 tiếng mới chín và trong suốt thời gian đó cần có người liên tục cấp nước, củi để bánh chín đều. Chính vì vậy, mỗi gia đình phải cử người thay nhau canh nồi bánh chưng.
Luộc bánh chưng phải đun bằng củi, để lửa lâm râm. Mặc dù có thể dùng bếp than hay gas sẽ nhanh hơn nhưng nhiều người cho rằng như thế bánh luộc xong không được thơm ngon.
Theo quan niệm của nhiều người, việc cùng gói bánh và đặc biệt là trông nồi bánh chưng trở thành dịp để các thành viên trong gia đình và hàng xóm quây quần bên nhau, sẻ chia những câu chuyện vui buồn sau một năm bận rộn.
Trẻ nhỏ háo hức cùng cha mẹ, ông bà quây quần ngồi bên bếp lửa hồng chờ bánh chưng chín mỗi dịp Tết.
Nồi bánh chưng nghi ngút khói trên vỉa hè, trong những con ngõ nhỏ ở Hà Nội, hình ảnh chỉ có thể thấy những ngày cận Tết Nguyên đán.
Ông Hàn (phố Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Năm nay, gia đình tôi bắt đầu luộc bánh chưng từ ngày 25 tháng Chạp âm lịch và đến 29 Tết ngày nào cũng đỏ lửa và ngồi trông bánh chưng. Bánh chưng nhà tôi làm chủ yếu phục vụ người thân, gia đình, hàng xóm xung quanh. Nhà tôi chuẩn bị 3 nồi khác nhau, nồi bé nhất nấu được khoảng 80 cái, nồi nhỡ được khoảng 100 cái, nồi to nhất được khoảng 120 cái. Tết năm nay gia đình tôi nấu hơn 2.000 cái, mỗi ngày khoảng 350 cái bánh chưng".
Ánh lửa đỏ rực cùng khói nghi ngút hòa vào mùi lá và gạo thơm lừng khiến không khí những ngày cận Tết thêm phần rạo rực, hối hả.
Trên nhiều tuyến đường, con ngõ, hẻm nhỏ tại Thủ đô vẫn rực ánh lửa hồng thâu đêm của các gia đình luộc bánh chưng vào những ngày cuối cùng của năm Giáp Thìn 2024.