Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Huế và Festival

Đình Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa kể Festival nghề truyền thống, Festival Huế đã đạt đến con số 10 kỳ tròn trĩnh vào năm 2018. Với Festival Huế, nói như đạo diễn Đặng Nhật Minh, tiếng Việt có thêm một từ mới: Festival.

Còn 18 năm nhìn lại, dễ dàng nhận thấy, vượt qua những lúng túng ban đầu, người Huế đã khẳng định được vị thế chủ nhân đích thực của sự kiện văn hóa mang tính quốc tế này.
Khởi thủy bằng Liên hoan văn hóa (festival) Việt - Pháp được tổ chức vào năm 1992, nhưng phải đến 8 năm sau đó, Fetival Huế lần đầu tiên mới chính thức ra mắt trong bối cảnh Thừa Thiên Huế bị tàn phá nặng nề bởi cơn lũ lịch sử vào cuối năm 1999. Đã có nhiều cuộc tiếp xúc, chuyển giao và thử nghiệm trước đó, nhưng với người Huế, festival vẫn ẩn chứa quá nhiều lạ lẫm và họ đã gặp khó.
Các nghệ sỹ tập chèo đò trong chương trình 'Âm vọng sông Hương'. Ảnh: Đình Nam
Tôi nhớ mãi buổi trưa tại một ngôi nhà vườn ở Phú Mộng (Kim Long, Huế). Đây là một trong số 7 ngôi nhà vườn được chọn để đưa vào tour du lịch trong dịp Festival Huế 2002. Trưa hè nắng rát, ngôi vườn ngập tràn cây xanh và căn nhà dường như cũng thật ấn tượng, khách vào ra nườm nượp. Thế nhưng, thật đáng buồn khi nhìn thấy chủ nhân lúng ta lúng túng, khách chủ vì thế cứ mãi ngại ngùng. Người dân miệt vườn Kim Long chưa quen tiếp xúc và biết cách phục vụ khách du lịch. Hôm ấy, tôi đã bắt gặp nhiều cái lắc đầu từ du khách.

Nhắc lại câu chuyện nhỏ trên để thấy, Festival Huế là niềm vui và tự hào, nhưng cũng đặt ra cho vùng đất Cố đô bao nỗi lo: Lo chạy tìm kinh phí tổ chức, lo mưa gió bất ngờ ập tới, lo kiếm thầy giỏi và chất lượng các chương trình… Còn cả nỗi lo có ai tới xem không và liệu người Huế có thể hiện được vai trò là chủ nhân của lễ hội hay cứ mãi lúng túng. Trong khi người ta nói nhiều đến các chương trình nghệ thuật, đến thương hiệu Festival Huế, đến cả chuyện lời lỗ và phát triển du lịch Huế, tôi lặng lẽ quan sát và nhận thấy một điều vui, càng ngày người dân Huế càng nhích lại gần hơn với festival theo kiểu cách rất riêng.
 Biểu diễn tuồng cung đình trong Dạ tiệc Hoàng cung.
Hình ảnh đầy lắng đọng trong các kỳ festival vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI là họa sĩ Thân Văn Huy với hoa giấy Thanh Tiên - một hoạt động hưởng ứng mang tính cộng đồng. Đã có biết bao du khách tìm đến với Festival Huế là để về với không gian nên thơ nơi ngã ba Sình này. Để góp mặt với festival, trước đó họa sĩ Thân Văn Huy phải bỏ ra nhiều công sức sáng tạo nên những cành hoa giấy mang vẻ đẹp riêng có ở Thanh Tiên, tỉ mẩn sửa sang, dọn dẹp lại nhà cửa, chuẩn bị nồi bánh ú tro hay ấm chè đậm đãi khách nơi phương xa ghé lại. “Nói ít làm nhiều”, Thân Văn Huy thể hiện phong cách đĩnh đạc, thâm trầm của con người Huế trong tư cách là chủ nhân của một lễ hội đã vang xa.

Festival đến với Huế như sự sắp đặt. Từ ban đầu bỡ ngỡ, người Huế đã từng bước nhập cuộc. Thật khó quên hình ảnh đông vui đến kỳ lạ trên các con đường trong những buổi chiều diễn ra lễ hội đường phố trong các kỳ festival. Cũng không dễ phai mờ hình ảnh sinh viên các trường nghệ thuật, âm nhạc hóa thân trong các tượng người gây nhiều tò mò hay tham gia các hoạt động biểu diễn âm nhạc nghệ thuật tự nguyện sôi động trên con phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Cạnh đó là bóng dáng các tình nguyện viên nơi các lễ hội và biểu diễn của các đoàn nghệ thuật. Tận nơi “Chợ quê ngày hội”, bao du khách từng vây quanh nghe mệ Ngãnh móm mém cười và ứng khẩu thành thơ. Mới hay Festival Huế đã được mặc định trong lòng dân Cố đô.
 Nhóm nhạc 'Đường chân trời' sẽ biểu diễn tại Festival Huế 2018.
16 năm kể từ năm 2000, lần đầu tiên Festival Huế 2016 có tổng đạo diễn các chương trình khai mạc và cả bế mạc, đó là một công dân Huế, NSND Nguyễn Ngọc Bình. Có nhiều tiêu chí để đánh giá, tôi lại nghĩ đến sự kiện này như mốc son, bởi từ nay người Huế “biết chơi” rồi, biết làm để mà chơi, nó man mác như ca từ trong “Mùa xuân đầu tiên” của thiên tài Văn Cao. Trước đó Festival Huế là quá trình vừa chơi, vừa làm, vừa nhận chuyển giao công nghệ từ người Pháp. Nhắc đến Festival Huế không bao giờ quên nhắc đến đạo diễn Phillippe Bouler - người có 15 năm gắn bó, từng được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng bằng khen và huy hiệu “Người tốt, việc tốt” về công lao trong hành trình thử nghiệm và phát triển Festival Huế.

Sau Festival Huế, nhiều địa phương khác trong cả nước đã nối tiếp nhau tổ chức festival. Thế nhưng, cho đến nay Festival Huế vẫn là lễ hội đương đại đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, học tập mô hình festival của các TP nổi tiếng trên thế giới. Với độ dày về văn hóa, lịch sử của quá trình hình thành và phát triển, Huế đã xác lập cho mình một bản sắc riêng cùng với những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, tạo ra sức hấp dẫn, thu hút và thuyết phục sâu rộng đối với bạn bè trong và ngoài nước, phù hợp để xây dựng TP Festival của Việt Nam.

Người Huế đang chuẩn bị đón Festival 2018. Khác “Đêm Hoàng cung” ở các kỳ Festival Huế trước đây phải chạy thuê đạo diễn bên ngoài, năm nay “Văn hiến kinh kỳ” do chính những con người Huế viết kịch bản và đạo diễn. Cùng với đó là cả Lễ hội Áo dài, khắc ghi thương hiệu, cũng lần đầu tiên do một người Huế, bà Nguyễn Lan Vi, làm đạo diễn… Từ OFF bây giờ đã vào IN. Đi trên đường phố ngập tràn sắc màu trong dịp Huế kỷ niệm 43 năm giải phóng miền Nam hôm nay, tôi cảm nhận ở mỗi gương mặt thân thương sự khát khao được thể hiện vai trò người sáng tạo và chủ động đón nhận cuộc chơi Festival Huế 2018.