Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người kinh doanh thờ ơ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông tư số 30/2012/TT-BYT quy định điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố chính thức có hiệu lực từ hôm qua (20/1), nhưng hầu hết những người kinh doanh thức ăn đường phố vẫn thờ ơ với những nội dung họ cần phải thực hiện.

Khó thực hiện

Đường Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân) san sát hàng rong, quán vỉa hè bày bán các mặt hàng ăn uống, từ trà đá đến bún ốc, nem chua rán, thịt nướng, bánh mỳ… Đa phần những người chủ cửa hàng ở đây vẫn mơ hồ hoặc chưa biết đến quy định mới của Bộ Y tế. Chị Nguyễn Hoài Hương, bán hoa quả dầm gần trường Tiểu học Đặng Trần Côn A, hoàn toàn chưa biết đến những quy định mới như phải có giấy chứng nhận sức khỏe, phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng... "Hoa quả tôi mua ở chợ đầu mối, hàng nào bán rẻ thì mua, lấy đâu ra giấy tờ chứng minh nguồn gốc", chị Hương cho biết.

Người kinh doanh thờ ơ - Ảnh 1

Bán hàng ăn trước cổng trường THPT M. V.Lomonoxop. Ảnh: Quỳnh Anh

Còn bà Trần Thị Chinh, bán xôi, chị Nguyễn Thu An, bán bánh cuốn ở khu vực chợ Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) thậm chí không sử dụng găng tay dùng một lần khi cắt bún, bốc xôi cho khách. Bà Chinh thật thà: "Tôi chưa thấy ai bảo phải đi tập huấn, khám sức khỏe bao giờ. Khỏe thì tôi bán, ốm thì nghỉ. Mà cứ hỏi thử xem, cả cái chợ này đã ai được tập huấn bao giờ chưa". Riêng chị Nguyễn Thị Vinh, bán bánh mỳ patê trên đường Thái Thịnh (quận Đống Đa) tỏ ra lo ngại khi nghe đến các quy định của Thông tư: "Một số quy định tôi đã thực hiện như tủ kính, găng tay, thức ăn sống, chín để riêng nhưng hoá đơn chứng minh nguồn gốc của thực phẩm thì không thể thực hiện được. Một cái bánh mỳ có tí dưa chuột, tí thịt, trứng, rau thơm, làm sao ra chợ mua mấy thứ ấy mà có hoá đơn, chứng từ được".

Sẽ gom hàng rong về một mối

Để siết chặt quản lý hàng ăn rong trên địa bàn, thực hiện theo thông tư mới, Sở Y tế Hà Nội đang trình UBND TP đề án "Triển khai mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại các quận, thị xã và thị trấn của các huyện thuộc TP Hà Nội", trong đó có nội dung, sẽ gom hàng ăn rong về một điểm cố định. Ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội cho biết, mô hình quản lý sẽ dựa trên nguyên tắc: Người bán hàng rong được bố trí tập trung tại một địa điểm cố định do doanh nghiệp hoặc cá nhân đại diện quản lý tập trung, thuê, mượn mặt bằng; Đảm bảo cung cấp nước sạch, bố trí các khu chế biến ăn uống hợp vệ sinh; Người bán hàng được tham gia các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức về ATTP, được khám sức khoẻ, xét nghiệm tìm người lành mang trùng định kỳ. Mô hình này tạo sự hợp tác giữa người bán hàng rong, người tiêu dùng và cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP và được cho là sẽ khắc phục được nhược điểm của hàng rong tạm bợ, mang tính mùa vụ khiến cơ quan quản lý khó kiểm soát như hiện nay.

Tuy nhiên, đề án này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, việc gom hàng rong sẽ làm mất đi lợi thế là sự thuận tiện cho người tiêu dùng. Và thực tế, khi người tiêu dùng có nhu cầu, các gánh hàng rong dù bị cấm vẫn có thể len lỏi vào ngõ ngách, đường phố. Mục tiêu của việc gom hàng rong về một điểm sẽ quản lý được vấn đề ATTP, nhưng thực tế hiện nay, gần một nửa hàng ăn cố định có phép trong TP vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận ATTP.

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (nay là Cục ATTP) cho rằng, trong điều kiện hiện nay, Hà Nội khó có thể thực hiện nội dung này của đề án. Với quy hoạch đô thị hiện tại, sẽ không có chỗ để phát triển các điểm hàng ăn cố định. Nếu làm, với cách làm không quyết liệt, không xử lý đến nơi đến chốn thì cũng sẽ không hiệu quả, gây lãng phí.