“Người Làm Báo” - 30 năm nhìn lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 3 này, căn nhà chung - diễn đàn chung của những người làm báo Việt Nam - tờ tạp chí mang cái tên rất gần gũi: "Người Làm Báo" (cơ quan lý luận nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam) vừa tròn 30 tuổi.

Không đánh mất bản sắc riêng

Ở cái tuổi "vừa chín" của đời người ấy nhìn lại, những người cầm bút kỳ cựu của làng báo Việt vẫn nhớ như in buổi đầu chập chững. Cái buổi mà ngay trong lời Kính chào bạn đọc trên số báo đầu tiên, Ban Biên tập Tạp chí, trong đó có nhà báo Phan Quang - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí, đã viết: "Dưới ngọn cờ báo chí của Bác Hồ, được các nhà báo lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước trực tiếp mở lối khai đường, trong lịch sử chưa bao giờ báo chí Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ và rộng khắp như ngày nay. Bên cạnh báo in, có phát thanh, truyền hình, thông tấn, nhiếp ảnh, điện ảnh, thời sự… Tính cả những người làm việc ở các ngành khác song cộng tác đều đặn với báo đài và đội ngũ chuyên trách, làng báo Việt Nam ta ít ra cũng đông hơn con số vạn… Thế nhưng, những người được giao phó trọng trách và nắm giữ các công cụ thông tin tuyên truyền đắc lực ấy lại chưa có cơ quan ngôn luận và diễn đàn nghề nghiệp của chính mình. Người Làm Báo ra đời nhằm cố gắng bù đắp phần nào chỗ trống ấy. Nó khiêm tốn góp phần giúp các nhà báo sáng tỏ thêm về phương hướng tư tưởng và nghiệp vụ. Nó là diễn đàn để những người làm báo trao đổi kinh nghiệm. Nó cung cấp những thông tin mới về truyền thông hiện đại. Nó hòa tiếng nói của đồng nghiệp bốn biển năm châu vì hòa bình, hữu nghị, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…".

 
Tạp chí Người Làm Báo.  Ảnh: Phạm Hùng
Tạp chí Người Làm Báo. Ảnh: Phạm Hùng
Đọc lại số 1 Tạp chí Người Làm Báo, tư duy đổi mới vẫn nóng hổi, in sâu. Ngay trên trang 3 là lời nhắn nhủ của nhà báo Hoàng Tùng - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: "Muốn làm tròn nhiệm vụ của mình là hướng dẫn cổ vũ, những người làm báo chúng ta phải thường xuyên gắn liền với cuộc sống xã hội, nghe rõ được từng hơi thở, nắm bắt từng sáng kiến, kịp thời phát hiện những cái lệch lạc…". Trong số đầu tiên này, Tạp chí còn đăng tải các tham luận tham gia cuộc hội thảo lớn do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức với tiêu đề: "Phát hiện điển hình, cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào quần chúng đổi mới cơ chế quản lý". Có thể nói, các vấn đề mà các nhà báo Hoàng Tùng, Hà Đăng, Hồng Chương, Phan Quang, Hữu Thọ, Lam Thanh, Đoàn Quang Long, Thanh Thủy, Lê Minh Giám… đưa ra, cho đến nay vẫn gợi lên nhiều vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ.
Trang bìa Tạp chí Người Làm Báo số đầu tiên.
Trang bìa Tạp chí Người Làm Báo số đầu tiên.
30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển cùng với nhịp đập sôi động của đời sống báo chí, tuy tên gọi có lúc khác nhau (từ cuối năm 1991 - 1996, Tạp chí mang tên Nhà báo & Công luận), nhưng Người Làm Báo luôn kiên trì thực hiện thành công chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn báo chí và là diễn đàn trao đổi nghiệp vụ của báo giới cả nước. Trong môi trường cạnh tranh báo chí gay gắt hiện nay, Người Làm Báo vẫn luôn giữ đúng định hướng tuyên truyền, đúng tôn chỉ, mục đích của Tạp chí, không sa vào thương mại hóa, đánh mất bản sắc riêng. Thành quả ấy là kết quả sự đóng góp, cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên mà những tên tuổi nhà báo lớn như Hoàng Tùng, Phan Quang, Lê Điền, Trần Công Mân, Đỗ Cao Đáng; tiếp sau đó là các nhà báo Trần Mai Hạnh, Đỗ Khánh Toàn, Phạm Khắc Hải… mãi gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Tạp chí.

 
Bài xã luận trên số báo đầu tiên  của Tạp chí Người Làm Báo.
Bài xã luận trên số báo đầu tiên của Tạp chí Người Làm Báo.
Không ngừng nâng cao chất lượng

Từ tháng 6/2008, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn trực tiếp kiêm nhiệm giữ cương vị Tổng Biên tập. Người Làm Báo xuất bản bộ mới, đổi mới về nội dung và hình thức với nhiều chuyên mục mới tạo được hiệu ứng sâu sắc, tác động tích cực đến đời sống báo chí. Ví như trước thực trạng nhiều tờ báo chạy theo xu hướng "lá cải hóa", đăng tải nhiều tin, bài giật gân, câu khách, để lại những hệ quả đáng lo ngại, Ban Biên tập đã chỉ đạo tòa soạn thực hiện loạt bài "Báo mạng điện tử đi về đâu". Loạt bài khởi đầu cho cuộc tranh luận giữa báo "lá cải" và báo "chính thống", dẫn đến nhiều thay đổi trong chính sách quản lý, điều hành hoạt động báo chí. Loạt bài đã đoạt giải C Giải báo chí Quốc gia lần thứ VI năm 2011.
Với những thành tích đã đạt được, Tạp chí Người Làm Báo được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Cờ thi đua xuất sắc của Hội Nhà báo Việt Nam cùng các bộ, ngành. Năm 2013, Tạp chí được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014, Tạp chí được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nằm trong lộ trình cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, mong muốn đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc và các đồng nghiệp, ngày 28/4/2013, Tạp chí đã ra mắt trang thông tin điện tử nguoi lambao.vn. Trang tin điện tử với thông tin hữu ích được cập nhật hàng giờ, qua các chuyên mục "Vấn đề - Sự kiện", "Nghiệp vụ", "Chuyện nghề", "Chân dung nhà báo"… Đây cũng vốn là những chuyên mục "sở trường" của Người Làm Báo, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Bên cạnh hoạt động nghiệp vụ, Tạp chí còn hướng tới công tác xã hội. "Tri ân nhà báo - liệt sĩ" - cuốn sách do Người Làm Báo xuất bản, tập hợp 50 chân dung nhà báo liệt sĩ từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cả trên đất bạn Lào, Campuchia được dư luận đánh giá cao. Rồi phụ san "Báo chí trong chiến tranh" dày hơn 100 trang, phác thảo đội hình báo chí cách mạng Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; cuộc thi ảnh báo chí "Đất nước - nhịp sống hôm nay"; "Phụ nữ Việt Nam qua lăng kính nhà báo", các cuộc tọa đàm, hội thảo nghiệp vụ, các cuộc từ thiện, vận động cứu trợ đồng bào nghèo, gia đình chính sách…