Người lao động nóng lòng chờ thưởng Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán đã cận kề, nhu cầu mua sắm ngày càng tăng cao nên người lao động (NLĐ) đang nóng lòng chờ thưởng Tết.

Theo công bố mới nhất của Bộ LĐTB&XH, mức thưởng Tết Ất mùi cao nhất năm nay lên tới gần 600 triệu đồng, song đó chỉ là trường hợp cá biệt đối với hàng triệu NLĐ. Mức thưởng phổ biến nhất là một tháng lương.

 
Người lao động luôn muốn có một khoản tiền thưởng Tết dù ít hay nhiều. Ảnh: Đàm Duy
Người lao động luôn muốn có một khoản tiền thưởng Tết dù ít hay nhiều. Ảnh: Đàm Duy
Cả năm đi làm xa, nên phần đông NLĐ mong ngóng “tiền Tết” mang về sum họp cùng gia đình. Trong khi nhiều DN có mức tiền thưởng Tết cao hơn mọi năm thì tại nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ lại muốn phớt lờ hoặc chỉ huy động quà tặng cho có. Giám đốc một công ty tại Hà Nội buồn rầu cho biết: “DN tôi có gần 150 công nhân, mỗi tháng tiền lương, bảo hiểm lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, các chi phí khác như thuê đất, điện nước, nguyên vật liệu... cũng cao ngất ngưởng. Năm nay làm ăn thua lỗ, riêng việc trả lời điện thoại đòi tiền cũng đã bạc cả đầu, chẳng còn tâm trí nào để lo chuyện thưởng Tết”. Thế mới có chuyện nhiều đơn vị huy động các nguồn xã hội hóa để có quà tặng cho công nhân, dẫn đến chất lượng tặng phẩm không đảm bảo. Sự việc 6.000 công nhân Công ty TNHH Quốc tế Chutex (thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) trả lại quà Tết do phát hiện có hàng giả, khiến dư luận cả nước xôn xao có lẽ chỉ là một trong số các trường hợp được phát hiện.

Mặt khác, quy định của pháp luật lại không bắt buộc DN phải trả lương, thưởng Tết, nên nhiều DN đưa ra những mức thưởng thấp, không tương xứng với doanh thu của cả năm. Một số DN lại thưởng Tết theo phương châm “cây nhà lá vườn”, DN sản xuất gì thì tặng sản phẩm đó, như: sữa, quần áo, nước mắm, hạt nêm... thậm chí có nơi còn tặng cả chổi quét nhà, gạch, hay dầu gội đầu, hoặc lên kế hoạch sắp xếp thời gian nghỉ Tết dài ngày hơn bình thường thay cho tiền thưởng Tết. Mặc dù NLĐ không bằng lòng với cách thưởng đó, nhưng họ đành ngậm ngùi nhận quà. Vậy nên, nhiều người cho rằng, cần phải luật hóa quy định thưởng Tết để tạo sự công bằng trong thưởng Tết giữa các ngành, nghề, khu vực, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại các DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần