Người lính cứu hỏa - hình ảnh đẹp trong lòng Nhân dân

Đạt Lê - Tuấn An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm, hàng nghìn vụ cháy lớn, nhỏ xảy ra mỗi năm trên địa bàn Hà Nội và cả nước đã gây hậu quả nặng nề. Cháy, nổ đã trở thành nỗi lo thường trực của mỗi người dân, là nỗi ám ảnh, day dứt của những người lính cứu hỏa.

Để hạn chế những đau thương, mất mát do cháy, nổ gây ra, những người lính cứu hỏa luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình, với tinh thần trách nhiệm cao nhất và không ngừng sáng tạo để ứng phó hiệu quả với những sự cố khốc liệt do hỏa hoạn...

Cảnh sắt phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ Hà Nội cứu người dân trong đám cháy tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Đạt Lê
Cảnh sắt phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ Hà Nội cứu người dân trong đám cháy tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Đạt Lê

Những Anh hùng giữa thời bình

Chia sẻ về lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC, CNCH), Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC, CNCH khẳng định, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Cảnh sát PCCC, CNCH luôn "sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ Nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân".

Để thực hiện lời hứa thiêng liêng ấy, 61 năm qua (ngày 4/10/1961), lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH đã trực tiếp chiến đấu với hàng trăm nghìn vụ cháy và đã có không ít CBCS hy sinh, nhiều đồng chí đã phải mang thương tật suốt đời, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Từ năm 1966 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH đã có 32 liệt sĩ hy sinh.

Mới đây, ngày 1/8, trong quá trình chữa cháy quán karaoke ở phố Quan Hoa, Thượng tá Đỗ Anh Quân, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC, CNCH Công an quận Cầu Giấy cùng 2 đồng đội là Thượng úy Đỗ Đức Việt, cán bộ và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc, chiến sĩ nghĩa vụ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến với “giặc lửa” để cứu sống các nạn nhân.

Ngay trước khi anh dũng hy sinh, trong lúc chữa cháy tại quán karaoke ở Quan Hoa vào sáng cùng ngày, 3 chiến sĩ đã tham gia chữa cháy nhà dân tại phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), cùng người dân cứu được 2 người...

Vợ chồng anh Nguyễn Trung Dũng (chủ nhà) là nạn nhân may mắn được những người lính cứu hỏa cứu thoát. Anh Dũng bàng hoàng nhớ lại buổi sáng hôm xảy ra cháy, khói lửa đen đặc, được người dân và lực lượng cảnh sát cứu thoát. Chia sẻ với gia đình các chiến sĩ hy sinh, anh Dũng nghẹn ngào: "Gia đình tôi biết ơn, khâm phục sự dũng cảm khi nhìn các anh cảnh sát PCCC lao vào đám cháy để chữa cháy, cứu người. Vì sự an toàn của người dân, các anh đã không sợ nguy hiểm cho tính mạng của chính mình"...

Phòng, chống “giặc lửa” bằng công nghệ số

Theo Công an TP Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2022 (tính từ 15/12/2021 - 14/9/2022) trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 288 vụ cháy (6 vụ cháy lớn, 10 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 117 vụ cháy trung bình, 151 vụ cháy nhỏ, 3 vụ cháy rừng). Thiệt hại khiến 20 người chết và 16 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 18,1 tỷ đồng. Với những con số này cho thấy, tình hình cháy nổ ở Hà Nội còn nhiều phức tạp và tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác phòng, chống.

Cụ thể, trong nội thành, mật độ dân cư đông, các công trình chủ yếu là nhà cao tầng, nhà ống, nhà liền kề. Nhiều công trình tập thể cũ xuống cấp, không đảm bảo an toàn về PCCC. Cùng với đó, giao thông phức tạp, có nhiều ngõ sâu, nhỏ, phương tiện đông. Nguồn nước, phương tiện chữa cháy còn thiếu… trong khi một bộ phận người dân chưa có ý thức quan tâm đến công tác PCCC.

Trước những bất cập về giao thông hay nguồn nước, tính đặc thù của đô thị, những người lính cứu hỏa không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng công nghệ số hóa vào nhiệm vụ của mình để tăng hiệu quả chiến đấu với “giặc lửa”. Đồng thời, công tác tuyên truyền cũng đa dạng hóa, trong đó, tính hiệu quả của việc tuyên truyền từ nhóm zalo, mạng xã hội facebook… để qua đó phát huy tác dụng chữa cháy ban đầu của lực lượng cơ sở là vô cùng quan trọng.

Tính linh hoạt, chủ động sáng tạo của những người lính cứu hỏa đã và đang phát huy tác dụng trong thời gian qua. Nổi bật là ý tưởng lập “bản đồ đường nước chữa cháy” do lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH – Công an Hà Nội triển khai đồng bộ trên diện rộng từ năm 2021.

Nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác chữa cháy, Công an TP đã tổ chức triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn nước, phục vụ chữa cháy trên địa bàn Hà Nội. Các vị trí trụ nước cứu hỏa, vị trí nguồn nước tự nhiên như ao, hồ… của TP được lực lượng cứu hỏa rà soát, xác định rõ, tạo thành bộ dữ liệu đưa lên mạng xã hội, tạo thuận tiện khi tra cứu nhanh cho toàn bộ các đơn vị chiến đấu.

Những người lính cứu hỏa luôn đau đáu làm thế nào để giảm thiểu các vụ cháy lớn và làm sao để chữa cháy hiệu quả hơn, giảm bớt những thiệt hại về người và tài sản? Mệnh lệnh của trái tim chính là nguồn động lực để họ không ngừng sáng tạo, tìm ra những biện pháp hiệu quả nhất phục vụ nhiệm vụ chữa cháy, cứu người.

Một chiến sỹ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy không ngại nguy hiểm để cứu cháu bé tại cửa hàng bán quần áo ở địa chỉ số 8, ngõ 12 phố Núi Trúc, phường Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội).
Một chiến sỹ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy không ngại nguy hiểm để cứu cháu bé tại cửa hàng bán quần áo ở địa chỉ số 8, ngõ 12 phố Núi Trúc, phường Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội).

Trung úy Lê Anh Dũng, Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC, CNCH – Công an Hà Nội cho biết: “Luôn đau đáu về những khó khăn, vất vả mà các đồng đội phải vật lộn, căng mình cứu chữa các vụ cháy suốt nhiều giờ, chứng kiến những thiệt hại mà “giặc lửa” gây ra…, nhiều năm qua cả đơn vị đã có ý tưởng áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, nhằm góp phần ngăn chặn các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản”.

Cùng với “Bản đồ số hóa nguồn nước chữa cháy”, lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH, Công an Hà Nội triển khai thực hiện kế hoạch “App báo cháy 114”, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Công nghệ số hóa áp dụng vào công tác xác định nhanh đám cháy, vị trí cháy… đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giúp lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với các đơn vị địa phương kịp thời xử lý các sự cố cháy. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã tạo thuận lợi cho người dân giải quyết thủ tục hành chính về công tác PCCC một cách đơn giản, nhanh gọn, bởi ngay khi ngồi tại nhà mọi người dân cũng có thể khai báo làm thủ tục hồ sơ, giấy tờ cấp phép PCCC.

Ngay khi triển khai các bước trên, lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH đã tuyên truyền tới khu dân cư tính hữu ích của việc áp dụng công nghệ số vào phòng ngừa, cháy nổ, phát huy tác dụng PCCC. Sự kết hợp giữa “App báo cháy 114” và “Bản đồ số hóa nguồn nước chữa cháy”, dịch vụ công mức độ 3, 4, là sự cộng hưởng sức mạnh, giải pháp kịp thời trong công tác PCCC, CNCH.

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC, CNCH – Công an TP Hà Nội cho hay, việc triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 và ứng dụng hệ thống dữ liệu nguồn nước phục vụ chữa cháy bằng bản đồ số hóa vị trí nguồn nước đơn vị đang triển khai, đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong công tác tổ chức chữa cháy và giải quyết các vấn đề liên quan thủ tục hành chính công liên quan đến PCCC.

Với hệ thống dữ liệu nguồn nước, khi có cháy xảy ra, hệ thống bản đồ sẽ được sử dụng để tra cứu vị trí các nguồn nước gần nhất mà lực lượng chữa cháy và CNCH có thể tiếp cận để khai thác, sử dụng và thông báo đến các lực lượng tham gia chữa cháy.

“Trong công tác chữa cháy, điều quan trọng ngoài con người là nguồn nước. Câu chuyện lực lượng chữa cháy kịp thời cứu được 5 người trong một gia đình bị mắc kẹt bên trong vụ cháy cơ sở kinh doanh gas ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, cũng là một minh chứng rõ nét cho thấy việc khai thác nhanh nguồn nước chữa cháy đã hỗ trợ lực lượng chức năng để chiến thắng giặc lửa” - Đại tá Hiếu chia sẻ.

Không chỉ có những đóng góp nhỏ mang lại hiệu quả lớn, xác định rõ vai trò quan trọng của lực lượng cơ sở trong công tác phòng ngừa, xử lý hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH đã chủ động nhiều biện pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân. Từ thực tiễn tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn trang bị thiết bị PCCC theo cách làm thân thiện, gần gũi, đã làm người dân thay đổi nhận thức, chung tay khắc phục những khó khăn trong công tác PCCC hiện nay...