Người lính già và ký ức hai cuộc chiến

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến tranh đã lùi xa, ký ức về những năm tháng chiến đấu vẫn chưa phai nhạt trong tâm thức ông Nguyễn Văn Khánh (SN 1929) ở xã Hà Hồi, huyện Thường Tín (Hà Nội) lại ùa về trong tâm trí người cựu binh già mỗi dịp lễ 30/4.

Trung kiên đánh giặc PhápNgười lính già và ký ức hai cuộc chiến - Ảnh 1

Tháng 6/1949, Nguyễn Văn Khánh là một trong những thanh niên đầu tiên nhập ngũ vào Đại đội 35 (tiền thân lực lượng vũ trang huyện Thường Tín) tại quê nhà, hăng hái đi đánh giặc. Chỉ một thời gian ngắn sau, chàng thanh niên Nguyễn Văn Khánh được cách mạng tin tưởng giao chức vụ Tiểu đội trưởng tiểu đội bộ binh. Sau gần một năm chiến đấu, ông bị địch bắt trong một lần đi làm nhiệm vụ. Đó là khoảng thời gian quân Pháp đánh chiếm từ tỉnh Hà Tây (cũ) xuống tới Thái Bình (Hà Tây trở thành khu địch hậu). Nguyễn Văn Khánh cùng các đồng chí khác bước vào giai đoạn hoạt động bí mật.

Trong câu chuyện kể, đây là khoảng thời gian ông Khánh nhớ chi tiết nhất. Cũng có lẽ, đây là thử thách thật sự khó khăn lớn của chàng thanh niên 21 tuổi cầm súng đánh giặc. Đó là vào ngày 14/5/1950, khi đang tuyên truyền cách mạng tại nhà dân, ông bị lính dõng phát hiện, bắt giữ. Nhằm thị uy người dân, ngay tại thời điểm đó, ông bị địch buộc nằm ngửa trên thang tre, vứt thẳng xuống ao làng. No nước, chúng lôi ông lên dùng chân đi giày tây dẫm mạnh vào bụng. Nước và những gì còn lại trong dạ dày từ mọi lỗ hở trào ra… Ông Khánh vẫn cương quyết không khai. Thất bại trong việc thị uy trước dân chúng, địch giải ông về đồn Hà Hồi. Tại đây, ông bị trói ngay sân đồn 7 ngày, đêm. Giặc Pháp dùng nhiều ngón đòn tra tấn dã man khác nhưng ông Khánh vẫn trung kiên không khai báo. Biết không khai thác được, chúng chuyển ông về nhà tù Nhà rượu Gia Lâm.

Cuối năm 1950, trong chiến dịch Trung du (mũi tấn công tại Vĩnh Phúc), địch bắt ông và một số người khác đang bị giam cầm đi gùi đạn. Tại đây, ông cùng một số đồng chí được đồng đội giải cứu.

Với nguyện vọng tiếp tục được cầm súng đánh giặc, ông Khánh đầu quân vào Đại đội hỏa lực, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. Ông Khánh được tin tưởng giao ngay vị trí pháo thủ số 1 trong khẩu đội pháo 82 ly. Những năm từ 1951 - 1953, ông cùng đồng đội tham dự nhiều chiến dịch, như: Chiến dịch Uông Bí – Quảng Ninh; Hà Nam Ninh; Hòa Bình; Thượng Lào. Trưởng thành sau từng chiến dịch, với thành tích chiến đấu dũng cảm ông được thăng chức Tiểu đội phó rồi Tiểu đội trưởng tiểu đội DKZ (chống tăng).

Cuối năm 1953, sau chiến dịch Thượng Lào, Nguyễn Văn Khánh cùng đồng đội bí mật hành quân về đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm 14 rạng sáng 15/3/1954, Trung đoàn 88 được Đại đoàn 308 giao nhiệm vụ đánh trận đầu tiên vào cứ điểm đồi Độc Lập. Theo ông Khánh, trận đánh đồi Độc Lập cũng rất khó khăn nhưng Trung đoàn đã toàn thắng. Vòng vây của bộ đội ta được thắt dần hình vòng cung cứ điểm Điện Biên Phủ. Lúc này, ông Khánh đã làm Trung đội trưởng Trung đội DKZ chỉ huy 3 tiểu đội khoảng 30 chiến sĩ. Sau khi chiếm lĩnh đồi Độc Lập, Trung đội ông được giao nhiệm vụ đánh 3 đồn địch án ngữ phía Tây bảo vệ sân bay Mường Thanh. Xác định sân bay Mường Thanh với vị trí chiến lược đồng thời là con đường tiếp tế cuối cùng nên quân địch cố giữ bằng mọi giá. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Ông Khánh chủ yếu dùng DKZ bắn tỉa lỗ châu mai. Yêu cầu được đặt ra là phải đo chính xác khoảng cách từ nòng súng đến lỗ châu mai. Thời điểm nhô người lên khạc đạn chỉ tính bằng giây, chậm chút là mất mạng… Quá nhanh, quá khốc liệt, ông Khánh chỉ nhớ ước lượng 3 đồn địch thì có khoảng gần 20 lô cốt. Và ngày đêm quần thảo, ít nhất ông Khánh dùng DKZ tiêu diệt phân nửa lượng lô cốt bảo vệ đồn. Bộ đội ta chiếm sân bay Mường Thanh, địch buộc phải thả dù tiếp viện lương thực, yếu phẩm. Đến giai đoạn lương thực Pháp thả xuống chi viện gần như quân ta thu hồi hết thì cứ điểm Điện Biên Phủ đã như cá nằm trong rọ… Ngày 7/5/1954, cùng đoàn quân ăn mừng thắng lợi Điện Biên khi ông Khánh đang mới bước sang tuổi 25.

Khét tiếng đánh giặc Mỹ

Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt 2 miền qua vĩ tuyến 17. Sau thời gian học tập tại Trung Quốc trở về, ông Nguyễn Văn Khánh được chuyển về Lữ đoàn 53 cùng đồng đội làm nhiệm vụ đào đường, đào công sự bí mật qua núi và xây dựng củng cố miền Bắc. Giai đoạn giữa năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, ông lại tình nguyện xung phong vào Nam chiến đấu. Khi đó, ông Khánh nhận nhiệm vụ với chức vụ Đại đội trưởng Đại đội bộ binh, kiêm trợ lý tác huấn thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (Sư đoàn bộ binh cơ giới). Ngày 18/8/1965, đơn vị ông được lệnh ngày đêm hành quân vào chiến trường Tây Nguyên đánh Mỹ.

Trưa 14/11/1965, Tiểu đoàn 9 vừa đến vị trí quy định tại chân núi Chư Prông (Gia Lai) chưa kịp định hình đã đương đầu với giặc Mỹ. Tiểu đoàn bình tĩnh phản kích khiến lính Mỹ phải lùi khoảng 1km co cụm chống trả. Liền 3 ngày tiếp theo, Tiểu đoàn 9 cùng các đơn vị bộ đội chủ lực khác đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 lính Mỹ. Riêng Tiểu đoàn 9 đã tiêu diệt gần như toàn bộ Tiểu đoàn 1 – Không Kỵ, làm tiêu hao Tiểu đoàn 2 - Lữ đoàn dù và bắn rơi 1 máy bay chiến đấu. Sau này, ông Khánh mới biết, trận đánh này có tên gọi La - Drăng và là trận đánh lớn đầu tiên giữa quân tinh nhuệ Mỹ và bộ đội chủ lực quân ta.

Ông Nguyễn Văn Khánh không nhớ nổi đã chiến đấu qua bao nhiêu chiến dịch, chỉ nhớ đến năm 1966, phía Mỹ - ngụy đã biết sự “nguy hiểm” của ông bằng truyền đơn được giải khắp trong rừng, đường mòn, treo thưởng đầu “Khánh xồm”.

Ông Khánh kể lại, nội dung truyền đơn thông báo: Bất cứ ai mang được đầu “Khánh xồm” về trình chính phủ (ngụy quyền) sẽ được nhận thưởng 18 triệu tiền ngụy, 1 huy chương Anh dũng Bội tinh, chính phủ sẽ nuôi sống cả gia đình trọn đời. Tuy nhiên, việc rải truyền đơn của địch đã phản ứng ngược, chỉ làm binh lính Ngụy quyền thêm sợ hãi. Lính Mỹ - ngụy khiếp đảm ông đến nỗi có những trận 2 bên vờn nhau, địch nghe tiếng lính “Khánh xồm” tham gia đã vội vã rút quân. Sau khi chiếm lĩnh, trinh sát bố cục hỏa lực của địch, ông khẽ giật mình khi biết nếu địch dừng lại cố thủ, quân ta còn nhiều khó khăn để chiến thắng.

Khoảng thời gian sau đó, ông được tin tưởng giao chức vụ Tham mưu trưởng Trung đoàn 66. Với phương châm đánh Mỹ phải chủ động thiên biến vạn hóa, ông Khánh trưởng thành nhanh chóng về chỉ huy chiến thuật. Cũng bởi lẽ này khiến ông Khánh cho rằng mình bị “đen đủi” không được chiến đấu đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuối năm 1969, ông Khánh được lệnh trở về miền Bắc làm giảng viên giảng dạy thực tiễn cho cán bộ Trung đoàn. Đến năm 1971, ông Khánh được điều động làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn E12, với nhiệm vụ cấp tốc huấn luyện tân binh chi viện cho chiến trường miền Nam. Trung đoàn do ông chỉ huy đã huấn luyện trên 10 Tiểu đoàn, thầm lặng góp công sức đến ngày thống nhất đất nước.