Theo các nhà khoa học, ngay từ khi biết nói, trẻ đã cảm nhận được mọi thứ xung quanh và việc bố mẹ cãi nhau đã để lại ấn tượng không tốt trong lòng chúng. Lâu dần, như giọt nước tràn ly, hành động này sẽ hình thành trong trẻ sự phản kháng... Đặc biệt, ở độ tuổi dậy thì, khi các em biết khẳng định cái tôi và đòi hỏi sự tôn trọng của người lớn. Nhiều trẻ chống đối bằng cách bỏ nhà ra đi, thậm chí tìm đến cái chết để khỏi phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau. Các chuyên gia cho rằng, người lớn luôn đòi hỏi ở trẻ phải ngoan, phải nghe lời khi người khác nói và tìm cách bổ sung kỹ năng sống cho con bằng mọi cách, nhưng chính họ lại không bao giờ "nhìn lại mình". Bởi để xảy ra việc gây gổ trước mặt con một phần do cha mẹ thiếu kỹ năng tự kiềm chế.
Gia đình nào cũng có mâu thuẫn, tuy nhiên, giải quyết thế nào để ổn thỏa mà không ảnh hưởng đến con cái là điều quan trọng. Nhiều cặp vợ chồng hiện nay đã ý thức về điều này, nên mỗi khi có mâu thuẫn xảy ra, họ thường tìm cách nói chuyện riêng. Nhưng không phải ai cũng ý thức được điều này, mà mặc sức cãi nhau cho đã. Gia đình là một xã hội thu nhỏ, bởi thế trong gia đình cũng cần có những quy định cụ thể mà mỗi thành viên phải chấp hành. Cha mẹ là người tập cho con thực hiện những quy định này, bản thân họ phải là người gương mẫu thực hiện. Do đó, kể cả khi xảy ra mâu thuẫn, các cặp vợ chồng nên có ý thức tôn trọng nhau và tôn trọng con cái. Thay vì cãi vã, các cặp vợ chồng cùng nhau thảo luận đưa ra sự thống nhất chung. Đó chính là một cách rèn luyện cho mình kỹ năng sống tốt và dạy con có được kỹ năng ấy trong tương lai.