Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người nghỉ hưu phấn khởi khi được tăng 7,4% thu nhập

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, tất cả các đối tượng về hưu đều được tăng 7,4% lương hưu và trợ cấp. Khi thực hiện Nghị định này, người về hưu có mức lương dưới 2,5 triệu đồng /tháng, sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thành 2,5 triệu đồng.

Có thêm khoản tiền trang trải cuộc sống
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng. Theo Nghị định này, từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021. Sau khi thực hiện điều chỉnh mức tăng lương hưu chung 7,4%, những người có mức dưới 2.500.000 đồng thì được tăng lên thành 2.500.000 đồng.
Từ ngày 1/1/2022, tất cả các đối tượng được tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Phấn khởi, xúc động là tâm trạng chung của nhiều người nghỉ hưu khi biết tin ngay trong đầu năm 2021 sẽ được tăng lương hưu. Tăng lương hưu giống như nắng hạn gặp mưa rào, khi 2 năm nay tiền lương không tăng trong khi giá cả thay đổi. Nhiều người về hưu trước năm 1995 có mức lương thấp, không đủ để chi phí cho sinh hoạt trong gia đình. Đơn cử trường hợp của bà Nguyễn Thị Lan (quận Thanh Xuân) là cán bộ xã nghỉ hưu năm 1993, mỗi tháng lĩnh được được gần 2 triệu đồng tiền lương. “Thời gian trước, gia đình tôi có 4 phòng cho thuê được vài triệu đồng, cộng với lương hưu của tôi tạm đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Nhưng từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, những người thuê trọ trả phòng về quê nên gia đình mất nguồn thu đó. Trong mùa dịch, chúng tôi phải rất chắt bóp, chỉ mua những thứ thiết yếu như gạo, rau, ga; đóng tiền điện, nước. Ngay khi biết tin Chính phủ đồng ý điều chỉnh lương hưu, tôi mừng lắm vì mỗi tháng được tăng thêm hơn 500.000 đồng mua rau, bớt túng bấn hơn” – bà Nguyễn Thị Lan xúc động nói.
Đối với nhiều người về hưu sau năm 1995, lương hưu cũng là khoản thu nhập chính cố định của họ, thậm chí cả gia đình.  Một kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 35% người nghỉ hưu đi làm thêm nhưng phần lớn là những công việc tự làm nên thu nhập không nhiều. Có không ít người về hưu ở nhà trông cháu – công việc không có tiền lương. Mỗi tháng ông Nguyễn Tiến Phiệt (quận Hà Đông) nhận được 2.224.000 đồng lương hưu đủ để mua rau, mắm, muối; có lúc con phải hỗ trợ tiền mua gạo. Vợ ông Phiệt trước đây làm ruộng nhưng Nhà nước lấy đất làm dự án, chỉ còn một ít nhưng không có hệ thống thủy lợi nên đành bỏ hoang. “Chúng tôi biết rằng, dịch bệnh Covid-19 khiến Nhà nước và mọi người dân đều khó khăn. Chính phủ phải chi tiền để phòng chống dịch, mua vaccine nhưng vẫn quan tâm tăng lương cho những người về hưu thì chúng tôi rất vui. Như vậy, từ tháng 1/2022, mỗi tháng tôi sẽ được thêm 276.000 đồng, thêm tiền mua bình gas” – ông Phiệt bộc bạch.
Chính sách nhân văn, kịp thời
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến phát triển kinh tế và việc làm, đời sống của người dân. Trong bối cảnh đó, Nhà nước phải lùi cải cách chính sách tiền lương và không tăng lương hưu  năm 2020, 2021 là sự chia sẻ rất lớn của người hưu trí đối với Nhà nước. Tuy nhiên, đời sống của người đã nghỉ hưu rất khó khăn vì mức lương hưu bình quân cả nước còn thấp, trong khi tiền lương hưu lại bị giảm giá trị do lạm phát khoảng hơn 7%. Hơn nữa, phần lớn người về nghỉ chế độ chỉ có nguồn thu nhập chính từ lương hưu để trang trải cuộc sống gia đình nên lại càng khó khăn hơn. Bởi vậy, khi Chính phủ có quyết định tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/1/2022 là biện pháp hỗ trợ kịp thời để giảm khó khăn về đời sống cho người về hưu và gia đình họ. Và, việc tăng lương hưu cho mọi người đã về hưu, có ưu tiên cho người về hưu có mức lương thấp lên thành 2.500.000 đồng/tháng cũng là hợp lý.
 Chính phủ có quyết định tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là một chính sách nhân văn, kịp thời.
Một chính sách nhân văn, kịp thời là nhận định của nhiều chuyên gia lao động khi trao đổi về Nghị định số 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng cho 7 đối tượng. Quyết định tăng lương hưu, trợ cấp khi tình hình kinh tế khó khăn, Nhà nước phải đầu tư mua vaccine, phòng chống dịch,...đã thể hiện sự nỗ lực, quan tâm của Chính phủ đến những người đã có đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước. Tăng lương hưu cũng thể hiện rõ mục tiêu gắn phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết vấn đề an sinh cho người hưu trí. Hơn nữa, tăng lương hưu là hợp lý bởi phần lớn những người về hưu chỉ có nguồn chính là lương hưu; con cái họ có biếu nhưng cũng chỉ là khoản thu nhập không thường xuyên. “Dịch Covid-19 khiến mọi người lao đao, nguy cơ lạm phát nên việc tăng lương hưu và các khoản trợ kịp thời là tạo thêm an sinh thu nhập cho người cao tuổi” – PGS Giang Thanh Long đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay.
Trong câu chuyện tăng lương hưu, có ý kiến cho rằng mức tăng 7,4% chưa tương xứng so với tốc độ trượt giá và phát triển kinh tế mấy năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia lao động không đồng tình, bởi trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, việc tăng lương hưu là nỗ lực cao của Nhà nước, góp phần cải thiện đời sống của những người về hưu, nhất là những người nghỉ trước năm 1995. Còn việc giá cả tăng thì cả xã hội phải gánh chịu, chứ không chỉ những người hưu trí. Về việc tăng giá, Nhà nước cần có chiến lược tổng thể để kìm hãm sự lạm phát, để đảm bảo đời sống cho tất cả những người làm công hưởng lương.