“Người nhà nước” mà sống xa hoa, lãng phí, dân sẽ nghĩ gì?

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, những vụ tham ô của quan chức, tôi để ý thì chủ yếu thường là các lãnh đạo DN nhà nước. Nếu so với mức độ tham ô, tham nhũng ngày nay thì rất rất nhỏ. Có một vụ tôi còn nhớ, đó là chuyện một vị lãnh đạo có mức sống hơn người. Và một vụ tham ô được phát hiện ra ngày đó lại rất bất ngờ lại xuất phát từ lối sống xa hoa của vị lãnh đạo nọ. Chuyện xung quanh cái vại chứa nước gạo của gia đình vị đó.

 Ảnh minh họa
Khi chế độ bao cấp đã rất đời thường, mọi phân phối, mua bán gì cũng bằng tem phiếu, nhưng gia đình vị này sống rất xa hoa, sung túc hơn mọi người nhiều quá. Có nhiều lần, đồ ăn gia đình họ ăn không hết nên bị ôi thiu. Họ chủ quan, nghĩ là “chuyện vặt” nên ném cả cái chân giò lợn, khi thì cả con gà vào vại nước gạo (tức là thứ dùng để chứa cơm thừa canh cặn). Ngày ấy, vại nước gạo ở thành phố thường được các gia đình tích tụ sau một hai ngày rồi cho nhà nào nuôi lợn. Thế rồi người đi xin nước gạo quanh năm của nhà đó vô tư kể lại với nhiều người về thứ họ lượm được, xem như một may mắn. Lâu dần, chuyện bị loang ra. Cũng vì thế, chuyện nhỏ này lọt vào tai tổ chức do có người tố cáo và thế là pháp luật “sờ gáy” vị đó để rồi phải ngồi bóc lịch trong nhà tù...
Nay, do không còn cảnh người thành phố nuôi lợn nên cũng không còn ai đi xin nước gạo để qua đó có thể “nhìn vại nước gạo đủ đoán gia cảnh mỗi nhà”. Nhà nhà hôm nay ở thành phố hầu như sống khép kín hơn xưa nhiều lắm, cho nên việc sống xa hoa ra sao của mỗi nhà, kể cũng khó biết. Nhưng hình như cái thứ gọi là xa hoa ngày nào ấy, giờ phát hiện vẫn không khó gì thông qua hiện tượng khác.
Thực tế, không phải dân không biết chút nào vì lương của quan chức bây giờ, dù có cao đến mấy cũng chỉ đủ ăn. Nhưng không ít nhà của quan chức xây cứ như lâu đài, mà họ vẫn tỉnh bơ không cần ý tứ thì khó hiểu thật. Còn trang trại của họ thì mênh mông bao la, rồi xe ô tô sắm cho vợ con xài đều là thứ rất sang trọng... Vậy tiền đó lấy từ đâu ra nếu không có nguồn thu khác?...
Câu chuyện cựu tướng Công an Phan Văn Vĩnh khi còn ở cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm là một ví dụ cho lối sống xa hoa dẫn tới sa ngã bằng “đạn bọc đường”. Ông ta đã bị Nguyễn Văn Dương, người được ông Vĩnh bảo kê cho mở sòng bài hợp pháp để dân đánh bài ăn tiền trên mạng, mua chuộc. Theo kết luận điều tra, y đã khai ra, ngoài chuyện mỗi tháng chi cho tướng Vĩnh 200 ngàn đô la để nhờ ông ta bảo kê sòng bài, còn có chi tiết cũng đáng sợ. Ấy là chuyện Dương bỏ cả chục tỷ đồng mua rượu ngoại loại “khủng”, giá cả chục triệu đến cả trăm triệu một chai để cho ông ta tiếp khách. Thật là một ví dụ điển hình cho cuộc sống xa hoa của quan chức thời nay khi đã biến chất, sa ngã trước bả vật chất của các nhóm người làm ăn bất chính. Một khi họ muốn có ô dù, được các ông tướng, tá này bảo kê, tốt nhất hãy biến những quan chức này lệ thuộc mình bằng vật chất để sai khiến họ.
Không để vợ con sống xa hoa, lãng phí. Đó cũng chính là chỉ đạo rõ ràng mà Nghị quyết T.Ư 8 đề cập. Về kiểm soát quan hệ đối với gia đình, người thân, nghị quyết yêu cầu người lãnh đạo phải chống lợi dụng DN hoặc để DN lợi dụng nhằm vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, uy tín. Bên cạnh đó, không để vợ (chồng) bố, mẹ, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ quyền hạn uy tín của mình để vụ lợi, sống xa hoa, phô trương, lãng phí.
Vừa qua, quá trình đấu tranh phát hiện một số vụ việc lợi dụng quyền lực, uy tín lãnh đạo để thao túng một số vấn đề liên quan đến đất đai, mua sắm, hay vừa rồi Ủy ban Kiểm tra các cấp cùng với cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phát hiện, xử lý. Như vậy, yêu cầu cán bộ cấp cao phải cảnh giác trong mọi mối quan hệ và có thái độ phòng chống hiệu quả trong những hành vi nêu trên. Phải kiểm soát cả việc không để vợ (chồng), con sống xa hoa, phô trương lãng phí, vi phạm pháp luật.
Người cán bộ có chức có quyền mà sống xa hoa sẽ bị tha hóa và rất dễ sinh tham nhũng để làm bậy cũng chính là vậy. Chúng rất gần nhau. Vậy cho nên người lãnh đạo các cấp, đâu chỉ là T.Ư mới phải làm gương thật sự trước dân, trước tổ chức, mà cần tất cả mọi cán bộ các cấp cũng thế. Người dân hôm nay tinh tường lắm. Và chính người dân sống xung quanh, nếu phát động tốt, họ sẽ giúp Đảng, Nhà nước kiểm soát phần nào quyền lực của người lãnh đạo sống bên họ, xem cán bộ sống có trong sạch, giản dị, đạo đức, gương mẫu hay xa hoa, ngạo mạn, “mục hạ vô nhân”...