KTĐT - Bà Trần Thị Linh (xóm Kho, thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) than thở: “Cứ tưởng sau rằm tháng Giêng giá thực phẩm sẽ giảm, không ngờ có loại còn tăng.
Người nội trợ lại thêm lần nữa nghĩ cách ứng biến để cải thiện chất lượng sống.
Một tuần nữa mới đến tháng 3 - thời điểm điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu nhưng trên thị trường tự do, nhiều mặt hàng đã đua nhau tăng giá. Người nội trợ lại thêm lần nữa nghĩ cách ứng biến để cải thiện chất lượng sống.
Rau thành món... chính
Bà Trần Thị Linh (xóm Kho, thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) than thở: “Cứ tưởng sau rằm tháng Giêng giá thực phẩm sẽ giảm, không ngờ có loại còn tăng. Rau xanh tăng khoảng gấp rưỡi so với cách đây một tuần như cải cúc từ 2.000 đồng/mớ tăng lên 3.000 đồng/mớ; Cải ngọt từ 13.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg; Xu hào từ 4.000 đồng/củ lên 5.000 - 6.000 đồng/củ... Dù vậy rau vẫn là thứ rẻ nhất cho bữa ăn”.
Cũng theo bà Linh, bây giờ đi mua rau cũng phải tiết kiệm. Nhà bà cách chợ đầu mối nông sản Dịch Vọng 3km nên sáng nào bà cũng đạp xe đi qua hai chợ bán lẻ để đến chợ đầu mối mua rau và thực phẩm với mức giá “mềm” hơn. Chỉ cần chịu khó đi xa một chút, chỉ mua rau thôi bà cũng đã tiết kiệm được 10.000- 15.000 đồng. Bình thường bữa cơm nhà bà có 3 món là rau, thức ăn mặn và canh nhưng bây giờ giảm xuống còn 2 món.
Để tiết kiệm, bà Linh chỉ mua những loại rau vừa tiền nhưng đem xào thêm ít thịt, đồ lòng thì bữa cơm chỉ cần canh và món xào đó là đủ. Hoặc rau có thể chế thành các món nộm, ăn vừa ngon vừa rẻ... Hơn nữa, trong gia đình bà còn thực hiện chủ trương ăn sáng ở nhà nên sáng nào bà cũng dậy thật sớm lo ăn sáng cho cả nhà, khi bát cơm rang, lúc bát mì gói....
Qua khảo sát của PV, giá rau củ quả xanh đã tăng lên gấp rưỡi so với mức bình thường trước Tết Nguyên đán. Dù vậy, rau xanh vẫn được nhiều bà nội trợ chọn là món chính do giá vẫn “mềm” hơn các loại thực phẩm khác. Bà Lý Thị Duyên (thôn Trung, xã Trung Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Bây giờ giá cá, thịt đều cao nên tôi chủ trương tự cung, tự cấp. Nhà chỉ có mảnh vườn 15m2 nhưng lúc nào tôi cũng có rau gối lượt, nuôi thêm mấy con gà đẻ trứng. Một tuần tôi chỉ đi chợ 3 ngày thay vì trước đây ngày nào cũng đi. Và đi chợ cũng muộn hơn, khoảng 10 sáng, khi đó vẫn mua đồ tươi nhưng vì cuối phiên nên sẽ được mua với mức giá mềm. Những hôm đi chợ sẽ mua nhiều hơn bình thường một chút nhưng chia làm 2 ngày ăn để tránh lạm chi”.
Tất nhiên, với kiểu tiết kiệm đó thì ăn uống trong gia đình bà Duyên sẽ kham khổ hơn. Vậy nhưng, với tổng mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng mà phải chi cho 5 người, bà phải tiết kiệm mới đủ. “Khoản tiền tiết kiệm được, tôi sẽ bù chi cho tiền điện, tiền xăng vào tháng 3 tới cho cả nhà”, bà Duyên tâm sự.
“Ăn theo” khó… bỏ
Khi được hỏi về chuyện tăng giá bừa bãi trên thị trường tự do, các chuyên gia đều cho rằng, từ xưa đến nay thị trường nội địa đã hình thành luật bất thành văn là cứ lương, than, điện, gas, xăng dầu... tăng giá là hàng hóa lên theo. Dù nhiều mặt hàng trong số này không bị tác động hoặc tác động không đáng kể.
Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTB&XH) đã thực hiện một nghiên cứu về tác động của lạm phát tới nghèo đói. Kết quả cho thấy: Nếu mức độ tăng giá của lương thực thực phẩm là 19% và phi lương thực thực phẩm khoảng 6% thì chi tiêu của các hộ gia đình sẽ giảm khoảng từ 5- 10%.
Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), mặc dù sức mua không tăng, nguồn cung tương đối dồi dào, nhưng một số mặt hàng đã có biểu hiện tăng giá. Việc tăng giá điện, xăng dầu vào tháng 3 tới đã gây ra yếu tố tâm lý đối với những người bán hàng, họ sẽ vin vào đó để tăng giá theo, khiến cho chất lượng sống đi xuống. Hiện chưa có nghiên cứu nào định lượng được việc tăng giá điện, xăng dầu có tác động chính xác như thế nào đến thị trường nhưng đây là nhân tố gây tác động tâm lý trục lợi.
Về giải pháp nào làm hạ nhiệt tâm lý “tăng giá điện, xăng dầu- tăng giá”, theo ông Long dù tâm lý là một yếu tố diễn biến quan trọng nhưng cũng chỉ tác động nhất thời và ở mức độ nào đó đến giá. Nếu điều tiết khéo cung - cầu, người bán hàng sẽ không còn cớ để vin vào. Như vậy, hiệu ứng tâm lý tăng giá sẽ nhanh chóng tan đi.
Các chuyên gia cũng cho rằng, theo kinh nghiệm, muốn hạn chế tối đa tác động “ăn theo”, cần đáp ứng thật đủ cung - cầu các mặt hàng tiêu dùng, tránh để xảy ra tình trạng khan hàng. Đi kèm đó là sự kiểm soát chặt chẽ giá cả các loại hình dịch vụ công cộng.