Từ nỗi ám ảnh của căn bệnh rụng tóc
Cùng chúng tôi tham quan cánh đồng cây dược liệu của HTX Tâm An, Bí thư Đoàn xã Khánh Hà Nguyễn Văn Đạt cho biết: Thời gian từ những năm 2016 trở về trước, ở đây vốn là một cánh đồng hoang hóa, cằn cỗi, trồng cây gì lụi tàn cây đó do một quá trình dài người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Rồi tới khi các khu công nghiệp quanh xã mọc lên, nông dân bỏ ruộng để đi làm công nhân, vì làm nông nghiệp không đủ chi phí. Tuy nhiên khi đó, một cô gái với chuyên ngành kế toán lại quyết bỏ công việc ổn định với mức lương 10 triệu đồng/tháng để về đây trồng cây cỏ, cây dược liệu. Đó không ai khác chính là chị Nguyễn Thị Thu – Giám đốc HTX Tâm An bây giờ.
Chia sẻ về động lực giúp chị khởi nghiệp với cây dược liệu, chị Thu kể, vào tầm tuổi 12 – 13, tóc chị tự nhiên rụng nhiều đến mức phải đội trên đầu bộ tóc giả và chạy chữa ròng rã 12 năm trời. Và điều thần kỳ đã xảy ra, tóc chị đen trở lại khi chị được một người mách cho bài thuốc gội đầu bằng cây thảo dược. Đây cũng là lúc chị đặt quyết tâm sẽ theo đuổi trồng cây dược liệu, bào chế các bài thuốc có nguồn gốc thiên nhiên, tốt cho sức khỏe người dùng. “Khi bắt tay vào làm, tôi mới nhận ra rằng, nền nông nghiệp của nước ta hiện tại đang có quá nhiều bất cập. Do đó, tôi chọn cách đi bài bản từ cải tạo đất, trồng nguyên liệu cho tới bào chế ra sản phẩm. Tôi trồng xen canh các loại cây dược liệu và cây ngắn ngày nhằm tạo nên một hệ sinh thái tự nhiên, để chính các loại cây ấy phát triển cộng sinh, tạo ra được những giá trị an toàn nhất” – chị Thu chia sẻ.Nối tiếp thành công của cây dược liệu, Thu tiếp tục trồng và chế biến bột rau củ như trà chùm ngây, rau, gạo hữu cơ. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chị tìm cách giảm tối đa chi phí đầu vào bằng cách tận dụng nguồn tài nguyên bản địa, phụ phẩm nông nghiệp như sử dụng ốc, thân chuối, bèo tây để tạo ra giá trị dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, Thu còn dùng chế phẩm vi sinh để ủ phân giúp cây trồng dễ hấp thụ.Minh bạch thông tinVới 5 năm kinh nghiệm là người trực tiếp nghiên cứu, thực hành từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến các sản phẩm nông sản, các sản phẩm của Tâm An đã sớm khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn cũng như được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng. Sản phẩm bột rau củ sấy lạnh Tâm An đã đạt đủ tiêu chí OCOP 4 sao do TP Hà Nội công nhận. Không chỉ cây dược liệu, Thu còn sản xuất 2 ha gạo sạch, ký liên kết với 2 tỉnh Bắc Giang và Hòa Bình để sản xuất gạo hữu cơ.Hiện nay, với các sản phẩm chiết xuất từ thảo dược như trà chùm ngây, dầu gội, gạo sạch, HTX Tâm An đạt doanh thu trên 400 triệu đồng/tháng, lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Trong đó, riêng sản lượng trà thảo dược, mỗi tháng Tâm An sản xuất gần 2 tấn nguyên liệu tươi, tương đương hơn 200kg trà thành phẩm, đóng gói được 500 hộp trà. HTX còn tạo công ăn việc làm cho 12 lao động.Chia sẻ về bí quyết đưa sản phẩm ra thị trường, Thu cho biết Tâm An đặt vấn đề minh bạch là yếu tố đầu tiên trong quá trình làm thị trường. Minh bạch ở đây có nghĩa là minh bạch toàn bộ các khâu canh tác, chế biến và sản lượng. Cụ thể, diện tích trồng bao nhiêu, sản lượng dự kiến là bao nhiêu. HTX cũng từ chối những đơn hàng ngoài sự kiểm soát. Làm được những việc đó, khách hàng sẽ có niềm tin với sản phẩm.Ngoài vận hành Tâm An, Nguyễn Thị Thu còn tích cực tham gia các dự án, các đề tài nghiên cứu như Đề tài hỗ trợ thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp. Chị thường xuyên trao tặng cây giống cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở xã, hướng dẫn họ kỹ thuật trồng và hỗ trợ thu mua nông sản.
Với những việc làm ý nghĩa của mình, chị Thu đạt danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2019 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội khen tặng; đạt danh hiệu Én xanh 2019 của chương trình Tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững do UNDP, VCCI, CSIP tổ chức. |