Người phụ nữ đi lên từ bóng tối

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Khi không còn “cửa sổ tâm hồn”, chị đã vượt lên số phận để tìm nguồn sáng khác trong đời bằng cách học giỏi 2 ngoại ngữ và sử dụng máy tính thành thạo.

Câu chuyện về nghị lực sống ấy của chị Đỗ Thúy Hà (SN 1981), Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội) là minh chứng về người khuyết tật có thể cống hiến sức lực và trí tuệ như những người bình thường. Chị là 1 trong 9 cá nhân được đề xuất xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú 2016”.

Sử dụng máy tính có phần mềm đặc biệt, ngôn ngữ riêng - chữ nổi - không phải là rào cản ngăn chị Hà đến với thế giới, ngược lại, chị còn giúp đỡ được nhiều người. Ảnh: Thu Thảo

Chúng tôi gặp chị Đỗ Thúy Hà tại nơi làm việc vào một buổi sáng trong tiết trời thu Hà Nội. Nhìn chị tự tin làm việc với máy tính, khó có thể nghĩ, gần 30 năm qua, số phận đã cướp đi ánh sáng của người phụ nữ này. Chị bảo, từ khi mới 5 tuổi, bởi căn bệnh thoái hóa võng mạc bẩm sinh, mắt chị cứ mờ dần đi và mù hẳn. Cô bé 6 tuổi khi ấy thấy thật buồn, bởi bạn bè cùng trang lứa được cắp sách đến trường, còn chị vẫn quanh quẩn ở nhà. Cho đến năm 9 tuổi, nhờ những cố gắng của bố mẹ, chị Hà được đi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, chị được gặp những bạn học đồng cảnh ngộ với mình, nhưng vẫn bền bỉ từng ngày vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng  bắt đầu con đường để chị thay đổi cuộc sống.
Với học lực 12 năm đều là học sinh giỏi của trường Nguyễn Đình Chiểu, chị đã thi vào khoa Tiếng Anh, Viện Đại học Mở Hà Nội, bởi học ngoại ngữ là một trong những đam mê của chị. Nhờ bạn bè người thân đánh vần để chép bài, rồi thường xuyên nghe băng, tập nói tiếng Anh, chị luôn dành điểm cao trong môn học này. Năm 2000, Thúy Hà là học sinh khiếm thị duy nhất được tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức và giành giải 3.
Rồi chị may mắn được học bổng toàn phần sang Nhật du học về những kỹ năng lãnh đạo của người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng du học, đồng nghĩa với việc chị gặp muôn vàn khó khăn khi một mình phải tự lập nơi đất khách quê người. Tuy nhiên, chị đã vượt khó vươn lên để biến những ước mơ thành hiện thực. Đồng thời, tham gia nhóm tình nguyện để dạy chữ nổi tiếng Việt cho các bạn Nhật. Sau đó, chính những bạn Nhật này đã làm những cuốn sách, quyển truyện để tặng cho người khiếm thị Việt Nam.
Từ Nhật Bản trở về, với nhiều kỹ năng được trang bị, đặc biệt, việc sử dụng thành thạo 2 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Nhật, máy tính, điện thoại, Thúy Hà vào làm việc tại Hội người mù quận Đống Đa. Trong vai trò Chủ tịch, bản thân là một người khiếm thị, hơn ai hết, chị hiểu những khó khăn, thiệt thòi mà người khiếm thị gặp phải. Ở cương vị hiện tại, chị đang điều hành tổ chức công tác dạy chữ nổi Braille, vi tính; dạy nghề; phục hồi chức năng; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ cho gần 200 hội viên; vận động ủng hộ 10 máy tính cũ trợ giúp các sinh viên khiếm thị trong học tập... Đó là những việc làm mà chị muốn khẳng định những người khuyết tật không phải là gánh nặng cho xã hội, ngược lại, họ có thể cống hiến sức lực và trí tuệ như những người bình thường.
Một ước mơ lớn hơn trong chị là những người khiếm thị sẽ được nghe, được chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng. Chị đã kết nối với Tổ chức phi chính phủ ACCV của Australia, giúp hội viên Hội Người mù quận Đống Đa được học tiếng Anh miễn phí 2 buổi/tuần. Giáo viên là người Việt Nam và người nước ngoài, lớp có 10 hội viên theo học. Ngoài ra, Hội Người mù quận Đống Đa còn tổ chức các lớp dạy nghề, hành nghề tẩm quất nhằm tăng thu nhập giúp cải thiện, nâng cao đời sống của các hội viên.
Những ngày miệt mài học tập và làm việc trong bóng tối đã giúp chị có được tri thức, đó chính là nguồn ánh sáng giúp chị tìm ra hướng đi cho cuộc đời mình. Và trong nguồn ánh sáng đó, chị đã tìm được một gia đình hạnh phúc với người chồng hết mực yêu vợ, thương con. Hạnh phúc viên mãn đó chính là nhờ niềm tin, ý chí, nghị lực phi thường của chị.            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần