Người phụ nữ nghị lực vượt lên hoàn cảnh 

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tiếp phóng viên trong căn nhà nhỏ chừng 40m2 ở Tổ dân phố số 16, phường La Khê, quận Hà Đông, chị Lê Thị Hà phải đeo đai quanh lưng, ngồi một chỗ. Dù vậy, chị vẫn luôn lạc quan khi nói về mình và các dự án giúp đỡ cộng đồng.

Dù phải ngồi trên xe lăn, nhưng chị chị Lê Thị Hà đã tham gia nhiều công việc để nuôi sống bản thân và hỗ trợ nhiều người đồng cảnh vượt lên khó khăn. Ảnh: Bích Hời
Dù phải ngồi trên xe lăn, nhưng chị chị Lê Thị Hà đã tham gia nhiều công việc để nuôi sống bản thân và hỗ trợ nhiều người đồng cảnh vượt lên khó khăn. Ảnh: Bích Hời

Tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, chị Hà đã có thời gian làm cho DN và giáo viên dạy tiếng Anh. Khi đang hạnh phúc với chồng và con trai 7 tháng tuổi thì một biến cố bất ngờ ập đến.

Năm 2003 chị bị tai nạn giao thông, chấn thương cột sống đã chấm dứt những bước đi nhanh nhẹn ngày nào của chị. Một bên tay trái bị gãy dập mất khả năng làm việc. Mọi ước mơ, hoài bão ở phía trước sụp đổ.

Chị Lê Thị Hà (áo vàng) hỗ trợ giới thiệu sản phẩm của HTX VỤN Art với người Ấn Độ. Ảnh Bích Hời
Chị Lê Thị Hà (áo vàng) hỗ trợ giới thiệu sản phẩm của HTX VỤN Art
với người Ấn Độ. Ảnh Bích Hời

Chị Hà chia sẻ: “Mọi sự hỗ trợ từ ăn uống, sinh hoạt đều phải dựa vào người thân. Đã nhiều tôi rơi vào suy nghĩ tiêu cực. Thế nhưng, nhìn con còn nhỏ, bố mẹ lớn tuổi, tôi đã phải lấy nghị lực để sống tiếp. Luôn nhớ đến câu nói của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, tôi tự nhủ phải cố gắng vươn lên nuôi sống bản thân, nuôi con trưởng thành”.

Nói thì dễ nhưng chị phải mất 2 năm để tập ngồi. 7 năm sau, đến 2010 chị mới tham gia vào Trung tâm Người khuyết tật Hà Nội và Dự án hỗ trợ cá nhân của Nhật Bản. Chị đi rất nhiều tỉnh, thành từ ngoại thành Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... tìm hiểu xem những người khuyết tật như mình họ đã vươn lên cuộc sống như thế nào? 

Chị thấu hiểu, những người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, rào cản trong cuộc sống như: Cơ sở hạ tầng đi lại bị hạn chế, công ăn việc làm, sự hòa nhập cộng đồng... 

“Công việc đầu tiên tôi làm sau khi bị tai nạn chính là tham vấn người đồng cảnh ngộ. Những nơi tôi đi qua, ở đâu cũng có rất nhiều người khuyết tật cần sự hỗ trợ về tâm lý để họ vượt qua mặc cảm. Hiện tại, tôi làm truyền thông cho Hợp tác xã Vụn Art – đơn vị đang tạo việc làm cho người khuyết tật.

Tôi còn tham gia bán vé máy bay trong nhóm của người khuyết tật; kết nối nhà tài trợ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn đi viện... Trước kia, khi công nghệ kém phát triển, tôi phải di chuyển nhiều nơi nhưng hiện nay làm việc trực tuyến cũng rất hiệu quả, tiện ích” - chị Hà nói.

Tấm gương của chị Hà đã giúp cho một số chị em đồng cảnh ở phường Kiến Hưng, Yên Nghĩa, Phú La… còn nhiều mặc cảm, vượt lên số phận. Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ quận Hà Đông Lại hà Phương nói: "Phải sống một mình nuôi con, chị Hà đã biết vượt lên hoàn cảnh, sử dụng vốn ngoại ngữ để tự kiếm việc làm maketing, phiên dịch, hỗ trợ các DN giới thiệu sản phẩm. Nhờ đó, chị đã nuôi dạy con trai nên người, hiện đang học đại học năm thứ 3. Chị Hà là tấm gương lan tỏa việc học và làm theo Bác đến nhiều phụ nữ yếu thế khác vươn lên trong cuộc sống”.