Người phụ nữ ở Quảng Ninh mất 2,4 tỷ đồng sau tin nhắn của người lạ

Kim Thạch
Chia sẻ Zalo

Chị T.N.H (trú tại phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả) nhận được tin nhắn giới thiệu việc làm qua ứng dụng Telegram của người tự xưng là nhân viên một sàn thương mại điện tử. Yêu cầu người tham gia chỉ cần ứng tiền nhận nhiệm vụ và hoàn thành là có thể nhận tiền gốc cùng tiền "hoa hồng".

Ngày 17/6, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin về 2 trường hợp bị đối tượng lừa đảo qua điện thoại, rủ đầu tư, kinh doanh qua đó chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.

Theo cơ quan công an, từ tháng 4 đến tháng 5/2023, chị P.T.C (trú tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí) và chị T.N.H (trú tại phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả) nhận được tin nhắn giới thiệu việc làm qua ứng dụng Telegram của người tự xưng là nhân viên một sàn thương mại điện tử.

2 trường hợp bị đối tượng lừa đảo qua điện thoại, rủ đuầu tư, kinh doanh qua đó chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.
2 trường hợp bị đối tượng lừa đảo qua điện thoại, rủ đuầu tư, kinh doanh qua đó chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.

Yêu cầu công  rất đơn giản, người tham gia chỉ cần ứng tiền nhận nhiệm vụ và hoàn thành là có thể nhận tiền gốc cùng tiền "hoa hồng". Do muốn kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi nên chị P.T.C và chị T.N.H đã đồng ý nhận lời tham gia.

Được biết, ác nhiệm vụ ban đầu với giá trị nhỏ, chị C và chị H đều nhận được tiền gốc và "hoa hồng" theo đúng cam kết.

Tuy nhiên, khi số tiền ứng ra làm nhiệm vụ có giá trị lớn thì chị C và chị H không rút được tiền về tài khoản. Các đối tượng đưa ra nhiều lý do yêu cầu chị C và chị H phải đóng thêm nhiều khoản phí thì mới rút được tiền về. Cứ như vậy, tổng số tiền chị C và chị H bị các đối tượng chiếm đoạt lên tới trên 2,4 tỷ đồng.

Cơ quan Công an xác định, thủ đoạn chung của các đối tượng là gửi lời mời hoặc chạy quảng cáo các bài viết thông báo tuyển dụng, mời gọi làm nhiệm vụ hưởng "hoa hồng" thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội để tìm kiếm "con mồi".

Những người tò mò tìm hiểu hoặc muốn tham gia sẽ được dẫn dụ vào các nhóm làm nhiệm vụ trên ứng dụng Zalo, Telegram. Trong nhóm làm nhiệm vụ, các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản “chim mồi” phối hợp với nhau tạo nên không khí sôi động nhằm khiến nạn nhân tin rằng mình đang làm công việc uy tín, đáng tin cậy.

Bước đầu, các đối tượng dẫn dắt nạn nhân làm theo một số nhiệm vụ đơn giản và có lợi nhuận nhỏ để làm mồi nhử và tạo niềm tin. Tiếp đó, chúng sẽ đưa ra các nhiệm vụ với số tiền lớn hơn (có yêu cầu nộp tiền làm nhiệm vụ để hưởng mức "hoa hồng" cao). Nếu nạn nhân băn khoăn hoặc có dấu hiệu nghi ngờ thì các “chim mồi” sẽ đóng vai người “làm gương” đưa ra các hình ảnh chứng minh đã hoàn thành xong nhiệm vụ và nhận được tiền hoa hồng như cam kết.

"Con mồi" đã cắn câu, các đối tượng đưa ra nhiều lý do (phải nộp thuế thu nhập cá nhân, giao dịch thực hiện lỗi, hệ thống bị lỗi...) và yêu cầu nạn nhân phải nộp thêm tiền. Đối tượng liên tục thúc giục và hứa hẹn sau khi nộp đủ tiền thì hệ thống sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền cho nạn nhân. Nếu trễ thời hạn quy định mà nạn nhân không nộp thêm tiền thì sẽ mất toàn bộ số tiền đang có. Cứ như vậy, đến khi nạn nhân không còn khả năng nộp tiền thì các đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc rồi chiếm đoạt tài sản.

Công an khuyến cáo, người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng.