70 năm giải phóng Thủ đô

Người phụ nữ viết nên câu chuyện đam mê từ nông nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Moris Trần Thị Hường - chuyên sản xuất và chế biến sâu các mặt hàng nông sản (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) đã viết nên câu chuyện đam mê của mình từ nông nghiệp, đồng thời khẳng định vị thế của phụ nữ thời đại mới.

Bước qua định kiến
Trần Hường sinh năm 1987 ở xã Dân Hòa, Thanh Oai. Từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Trần Hường đã nuôi dưỡng đam mê, hoài bão được kinh doanh để khẳng định bản thân và đem lại giá trị cho xã hội. Nhưng rồi việc gia đình, con cái lần lượt chiếm hết quỹ thời gian, cùng những lo toan nơi ngôi nhà, góc bếp đã khiến những đam mê, hoài bão của cô dần đi vào quên lãng.
Đến năm 2014, khi đã là mẹ của 2 đứa con nhỏ, khát khao khởi nghiệp của cô lại trỗi dậy khi vô tình biết đến giá trị của cây trùm ngây. Cô quyết định bỏ công việc kế toán ở một công ty của Hàn Quốc với mức lương đáng mơ ước, để hiện thực đam mê của mình.
“Quyết định của tôi khi đó gặp phải sự phản đối gay gắt từ 2 bên gia đình. Với gia đình cũng như xã hội luôn định kiến rằng, phụ nữ là người phải hy sinh vì gia đình, công việc chính là chuyện nội trợ, bếp núc. Tuy nhiên, giống như nam giới, phụ nữ cũng có những đam mê, hoài bão được khẳng định mình. Vì vậy, tôi cố gắng vượt qua định kiến để khẳng định vị thế của phụ nữ trong thời đại mới” – Trần Hường bày tỏ.
 Trần Thị Hường (phải) đang kiểm tra chất lượng sản phẩm tại nhà máy sản xuất của công ty
Cô bắt tay vào thuê hơn 1ha đất để trồng cây chùm ngây. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, ít vốn, con nhỏ… nên khoảng thời gian đầu khởi nghiệp Hường phải chịu nhiều áp lực cùng lúc. Hường kể, những ngày đầu, mỗi ngày cô chỉ được ngủ 3 - 4 giờ. Cô bắt đầu học hỏi, tìm hiểu về chùm ngây qua internet, bỏ thời gian đến các mô hình trước đó để tầm sư học đạo.
Thử thách đầu tiên ập đến với cô, đó là hơn 1ha trùm ngây bị chết hết do ngập úng. Không chịu khuất phục, Hường bắt tay vào cải tạo lại ruộng và trồng lại lứa mới. Sau nhiều nỗ lực, cô cũng trồng thành công rau chùm ngây để xuất ra thị trường. Với sự quyết tâm, kiên trì, cuối cùng Hường cũng nhận được ủng hộ từ gia đình. Từ đó, gia đình cũng cảm thông và hỗ trợ về vốn, tinh thần cho cô.  Tuy nhiên, không lâu sau khi đưa sản phẩm rau chùm ngây ra thị trường, Hường lại phải đối mặt với bài toán dư thừa hàng, vì sản phẩm này được trồng rộ ở nhiều nơi.
Trước những bất cập trong việc bán chùm ngây tươi, Hường đã nghĩ tới việc đầu tư chế biến sản phẩm để có thể bảo quản được lâu hơn và nâng cao giá trị sản phẩm. Theo Hường, Việt Nam là một nước nông nghiệp, tuy nhiên câu chuyện được mùa mất giá thường là điệp khúc buồn của người nông dân. Thực tế, mỗi khi có biến động thị trường, nhiều vùng sản xuất phải đổ bỏ nông sản do không bán được. Căn nguyên ở đây là người dân mới chủ yếu bán nông sản ở dạng thô. Trong khi đặc điểm của nông sản là giàu dinh dưỡng, hoặc giàu nước nên rất nhanh hỏng, nếu không được bảo quản sau thu hoạch. Những sản phẩm nông sản qua chế biến có giá trị cao hơn rất nhiều lần so với nguyên liệu thô ban đầu. Đây cũng chính là cơ hội để tạo hàng trăm, hàng nghìn công ăn việc làm cho người nông dân.
Đánh thức giá trị nông sản
Hường tìm hiểu công nghệ sấy lạnh giúp giữ nguyên được các thành phần dinh dưỡng, và có thể bảo quản mà không cần dùng đến chất phụ gia thực phẩm. Sản phẩm đầu tay là bột chùm ngây sấy lạnh, tiếp đến là viên nén chùm ngây, trà chùm ngây… Tuy nhiên, đây là sản phẩm mới trên thị trường, nên việc chinh phục khách hàng là bài toán khó. Xác định khách hàng chính là nhóm phụ nữ, cô kiên trì tới các hội thảo do Hội liên hiệp Phụ nữ các địa phương tổ chức để mời dùng thử miễn phí sản phẩm. Sau khi cảm nhận được chất lượng sản phẩm, khách hàng sẽ tự liên hệ mua hàng.
Để đa dạng sản phẩm, đồng thời tiện lợi cho việc sử dụng và hợp khẩu vị người dùng hơn, cô lại bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm mì chùm ngây, mì rau củ. Dòng sản phẩm này với màu sắc bắt mắt, hoàn toàn tự nhiên đã được người tiêu dùng đón nhận giúp công ty mở rộng được thị trường tiêu thụ. Ngay cả trong những tháng ngày cả nước thưc hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19, do là mặt hàng thiết yếu nên việc lưu thông vận chuyển sản phẩm của công ty vẫn không bị đình trệ mà còn tăng đơn hàng gấp 2, 3 lần so với khi chưa có dịch bệnh.
Giữa ảnh hưởng của dịch Covid 19, thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều mặt hàng nông sản không tiêu thụ được nhưng với cách chế biến sâu, tạo nên sản phẩm độc đáo được người tiêu dùng đón nhận khiến sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Moris không chỉ mở rộng được thị trường tiêu thụ mà còn góp phần nâng tầm giá trị hàng nông sản Việt.
Ngoài sản phẩm từ rau củ, đến thời điểm này, Moris đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu sinh học tạo ra sản phẩm mật ong lên men với công thức riêng, tạo ra dòng sản phẩm đặc trưng làm giảm độ ngọt của mật ong, bớt nóng cũng như nâng cao khả năng hấp thụ cho cơ thể con người giúp lợi khuẩn và tốt cho hệ tiêu hóa. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, công ty cũng đã đầu tư máy móc, vận hành quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo ra sản phẩm chất lượng cung ứng cho người tiêu dùng.
Với 10 dòng sản phẩm mật ong lên men và 5 loại mì rau củ, mỗi tháng công ty hiện cung ứng ra thị trường từ 600 - 800 triệu sản phẩm các loại, trong đó riêng mật ong lên men là hơn 1.000 chai, mỗi tháng tạo việc làm ổn định cho 10 lao động chính thức và 15 lao động thời vụ. Bên cạnh đó, công ty cũng liên kết bao tiêu hàng trăm tấn nông sản cho nông dân. Hiện sản phẩm của công ty có bán khắp các tỉnh thành trong cả nước, trong đó chủ yếu là thị trường phía Nam và các cửa hàng thực phẩm sạch. Cô cũng thực hiện ước mơ của mình và khẳng định được vị thế của phụ nữ trong thời đại mới.
Trong năm 2021 này, với mong muốn khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm, Công ty Moris sẽ đăng ký 5 sản phẩm tham gia đánh giá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của huyện Thanh Oai, tạo đà cho bước phát triển mới.