Người Rục vẫn ăn... chuột “tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm” hàng ngày

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với đồng bào Rục ở bản Ón (Quảng Bình), loài chuột đá từng được cho là tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm vẫn đang sống nhởn nhơ, được họ sử dụng làm thức ăn hàng ngày!

Thường xuyên bắt được

Chúng tôi đến bản Ón (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) sau khi có thông tin các nhà khoa học vừa phát hiện loài chuột đá (có tên khoa học Laonastes aenigmamus) được cho là tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm.

Với các nhà khoa học, đây có thể coi là một phát hiện quan trọng, nhưng đối với đồng bào Rục nơi đây thì loài vật này chẳng có gì là lạ cả, bởi đó là con Ka Nệ Khụng (chuột khỉ - người Rục gọi vậy) mà họ vẫn đi đặt bẫy để làm thức ăn hàng ngày như các loài chuột khác...

Biết chúng tôi đi tìm hiểu về loài chuột đá vừa mới được “phát hiện”, anh Cao Xuân Chài (một người Rục ở bản Ón) đã nhiệt tình dẫn vào chỗ đặt bẫy nằm bên lèn đá dựng đứng, nơi mà tuần trước anh vừa bẫy được một con Ka Nệ Khụng. Anh Chài cho biết, lúc còn nhỏ, khi đang cùng bọ mạ (cha mẹ) ở trong hang đá thì anh đã thường xuyên bẫy được con Ka Nệ Khụng.

Ông Trần Xuân Tư – Trưởng bản Ón cũng khẳng định, rất nhiều người trong bản vẫn thường bắt được con Ka Nệ Khụng. “Dân bản ăn, mình cũng ăn vì cứ nghĩ nó là những con chuột bình thường thôi. Cho đến khi có một đoàn nói là các nhà nghiên cứu khoa học đem ảnh lên cho bà con mình coi, bảo đó là loài đã tuyệt chủng không còn tồn tại trên trái đất nữa. Họ dặn, dân bản có bẫy được xin giữ lại một con.

Hôm vừa rồi ông Cao Xuân Yên đi bẫy về được 2 con, chúng tôi liền gọi họ lên. Họ lên thấy con vật thì mừng lắm, bảo đó chính là những con vật mà họ nghĩ rằng đã không còn tồn tại cách đây 11 triệu năm (họ nói căn cứ theo mẫu hóa thạch)” – ông Tư nói.

Khẩn cấp bảo tồn

Theo ông Trần Xuân Tư, trước đây ở thời điểm này (tháng 7, tháng 8 âm lịch), dân bản thường bắt được con Ka Nệ Khụng rất nhiều nhưng những năm gần đây tuy vẫn bắt được nhưng đã ít dần. Điều đó chứng tỏ loài chuột này đã ngày càng khan hiếm, nếu không có sự tuyên truyền, giáo dục sớm muộn gì nó cũng sẽ rơi vào tình trạng tuyệt chủng.

“Trước đây, mình không biết, nhưng bây giờ thì biết rồi, đây là một loài rất quý, nên mình cũng sẽ nói cho dân bản biết sự quý hiếm của nó mà không đánh bẫy để ăn thịt nữa” – ông Tư nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hồng Thái – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng khẳng định: “Sự ghi nhận loài chuột đá này đã góp phần khẳng định tính đa dạng sinh học cao của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; cung cấp thêm thông tin cho các nhà khoa học nghiên cứu về sự tiến hóa và đặc biệt là giả thuyết về “sự luân hồi trong sinh học”. Chúng tôi sẽ có kế hoạch tuyên truyền vận động đồng bào Rục ở bản Ón không đặt bẫy bắt loài chuột đá này để ăn nữa”.

 
 
 
 
 
Hiện tại một nhóm các nhà khoa học Việt Nam do Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Đặng (người đã từng tham gia phát hiện thỏ vằn Trường Sơn đầu tiên) dẫn đầu đang tiến hành thu thập thêm những cá thể chuột đá Laonastes aenigmamus khác ở khu vực rừng quanh bản Ón. Thông tin cho biết, hiện họ đã thu thập được thêm 2 cá thể. Như vậy có thể khẳng định loài vật được cho là tuyệt chủng 11 triệu năm vẫn đang tồn tại ở khu rừng quanh bản Ón.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần