Người tạo giống mít ruột đỏ PT79 mang lại thu nhập tiền tỷ cho nông dân

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là anh Nguyễn Viết Vị (SN 1980, quê Thái Bình), Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX TMDV Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước - người vừa đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023” trong lĩnh vực trồng trọt.

Thành công từ vú sữa Hoàng Kim

Tiếp phóng viên trong trang trại rộng hàng trăm ha ở vùng biên giới Bù Đốp, anh Nguyễn Viết Vị, kể lại: “Sau khi tốt nghiệp ngành tài chính, tôi làm việc tại Công ty nông nghiệp của Đài Loan, học hỏi kinh nghiệm và góc nhìn về nông nghiệp từ đây."

Anh Nguyễn Viết Vị bên vườn vú sữa Hoàng Kim. Ảnh: Trúc Mai.
Anh Nguyễn Viết Vị bên vườn vú sữa Hoàng Kim. Ảnh: Trúc Mai.

Nghĩ là làm, năm 2006 anh Vị khởi nghiệp với mô hình trồng ổi Chân Trâu (giống ổi Đài Loan) trên diện tích 30ha thuê tại xã Quang Minh (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Năm 2010, mô hình trồng ổi đem lại thành công cho chàng nông dân dám nghĩ dám làm. 

Trong một lần đi công tác tại Đài Loan, anh Vị được ăn vú sữa Hoàng Kim, vị của vú sữa này khá lạ nên anh xin 5 nhánh đem về nước trồng thử. Quá trình trồng thử nghiệm, loại cây này phát triển rất mạnh nên anh chiết cành nhân giống, trồng trên 5ha. Đến tháng thứ 15, cây cho lứa quả đầu tiên (thu bói), có hương vị thơm của mùi quả xoài xen với vị sapoche, có độ giòn của dưa lê, đặc biệt vỏ vú sữa Hoàng Kim vàng óng như quả thị, rất đẹp.

Anh Vị chia sẻ, 1ha trồng 270 cây, cho thu hoạch khoảng 27 tấn/năm. Thời điểm 2016, giá trung bình 120.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/ha.

Làm chủ giống mít ruột đỏ PT79

Với tư duy nhạy bén, trong lúc giá vú sữa Hoàng Kim ở "đỉnh", anh Vị cùng cộng sự nghiên cứu dòng mít mới rồi lai tạo thành công giống mít ruột đỏ Phước Thiện 79 (viết tắt - giống PT79. Giống mít này đã đăng ký cây giống đầu dòng và bảo hộ giống) vào năm 2018.

Người tạo giống mít ruột đỏ PT79 mang lại thu nhập tiền tỷ cho nông dân - Ảnh 1

Giống mít PT79 của HTX TMDV Phước Thiện đã giúp nhiều nông dân trở nên giàu có. Ảnh: Trúc Mai.  

“Qua nghiên cứu thị trường ngành mít trong vòng 10 năm ở nhiều quốc gia, tôi thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ mít rất cao, đặc biệt thị trường Trung Quốc. Giống mít PT79 có ưu điểm vượt trội mít Thái Changai, như: kháng bệnh tốt, màu sắc đẹp (ruột đỏ), độ ngọt và hương vị rất ngon. Từ phân tích này, tôi có quyết định hết sức mạo hiểm là vận động người dân trong vùng cùng trồng. Để bà con yên tâm, tôi thành lập HTX TMDV Phước Thiện với 22 thành viên góp vốn, bán thiếu cây giống, hỗ trợ vật tư, kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu với giá 15.000 đồng/kg mít PT79 trong chu kỳ 10 năm, rồi trồng đại trà 300ha”, anh Vị nhớ lại.

Sau 21 tháng trồng, mít PT79 cho thu bói. “Lúc đó khoảng giữa năm 2020 giá bao tiêu 15 triệu đồng/tấn, bà con rất phấn khởi. 1ha trồng 400 cây, vụ đầu tiên thu 20-30kg/cây, bình quân 10 tấn/ha (năm thứ nhất), bán 150 triệu đồng. Vụ thứ hai, sản lượng vườn mít tăng thêm 30% (tăng 3 tấn/ha), vụ thứ ba (mít 4 năm tuổi), đạt khoảng 30 tấn/ha, bán 450 triệu đồng, trừ 30% chi phí vẫn lời 300 triệu đồng/ha/năm”, anh Vị khẳng định.

Phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững

Từ hiệu quả của mô hình trồng mít PT79 và vú sữa Hoàng Kim của HTX TMDV Phước Thiện, nhiều người từ các địa phương đến học hỏi và liên kết. Đến nay ngoài 22 thành viên góp vốn, trồng trên diện tích 300ha, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động thường xuyên với thu nhập từ 10-16 triệu đồng/người/tháng; HTX còn phát triển chuỗi liên kết với 100 thành viên không góp vốn, trồng hơn 1.000ha mít PT79 (có ký hợp đồng bao tiêu), và khoảng 1.000ha mua theo giá lên xuống của thị trường với nông dân ở các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long, Quảng Bình.

Ông Trần Văn Thành - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Bù Đốp cho biết, mô hình trồng cây ăn quả của HTX TMDV Phước Thiện rất có hiệu quả, là mô hình tiên phong của tỉnh.

 

“Khi sản phẩm chất lượng và có trị thương mại cao, bà con sẽ trồng đại trà, lúc đó giá sẽ bão hòa. Vì vậy tôi cùng các cộng sự nghiên cứu thương mại hóa sản phẩm, đến nay đã đưa ra thị trường thực phẩm chế biến sâu từ mít non (thịt mít), như: pate mít, xúc xích mít, chả giò mít, salad mít. Dự đoán đây sẽ là loại lương thực như lúa gạo, vì nhu cầu trong nước và quốc tế rất cao”, anh Nguyễn Viết Vị chia sẻ.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bù Đốp Trần Văn Thành cho biết, HTX TMDV Phước Thiện xây dựng được chuỗi liên kết trồng, tiêu thụ mít trên diện tích khoảng 2.000ha. Ảnh: Trúc Mai.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bù Đốp Trần Văn Thành cho biết, HTX TMDV Phước Thiện xây dựng được chuỗi liên kết trồng, tiêu thụ mít trên diện tích khoảng 2.000ha. Ảnh: Trúc Mai.

Mô hình trồng mít PT79 và vú sữa Hoàng Kim không những làm giàu cho các thành viên HTX, mà còn tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, giúp nhiều nông hộ xóa đói giảm nghèo. Về môi trường, cải thiện rừng nghèo để trồng cây ăn quả xuất khẩu, cải tạo đất xấu thành đất tốt vì sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch.

 

Với thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. HTX TMDV Phước Thiện và anh Nguyễn Viết Vị vinh dự được tặng nhiều bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, cờ thi đua của UBND tỉnh Bình Phước…