Người thầy 7 năm chiến thắng bệnh ung thư

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thầy Đặng Phi Anh (SN 1964), giáo viên thể dục Trường THPT Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Hành trình đi qua bệnh tật của thầy là nguồn cảm hứng sống cho bất cứ ai không may rơi vào nghịch cảnh!

Nụ cười luôn nở trên môi
Tôi hẹn gặp thầy Phi Anh vào sáng giữa tuần khi thầy trống tiết dạy. Thầy đi chiếc xe đạp đua và diện bộ đồ thể thao. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, thầy cười hiền, nói ngay: “Chiếc xe đạp là bạn đồng hành của mình đấy. Trước đây khi chưa ngã bệnh, mình đạp xe đi dạy hằng ngày, dù nhà cách trường 10 cây số”. Trước mặt tôi là một người đàn ông trung niên có thân hình khá vạm vỡ, nước da rám nắng khỏe mạnh…
Thầy Đặng Phi Anh.
Ấn tượng của tôi suốt cuộc trò chuyện với thầy Phi Anh là nụ cười hiền, đầy lạc quan luôn nở trên môi. Có lẽ vì luôn sống vui vẻ, lạc quan như thế nên thầy mới có nhiều năng lượng để chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác. Thầy kể hành trình đi qua bệnh tật của mình cũng nhẹ như cách thầy đối diện và chiến thắng nó vậy.
“Một ngày trước khi cùng đồng nghiệp chuẩn bị bước vào giải bóng đá công nhân viên chức của TP Đà Nẵng năm 2012, mình cảm thấy cơ thể kiệt sức và nhập viện. Khi ấy, nghe bác sĩ thông báo bị ung thư máu bạch cầu, đầu óc mình trống rỗng. Mình đã suy nghĩ quá nhiều, từng nghĩ đến chuyện sẽ chống chọi với bệnh tật được bao lâu? Nhưng 2 ngày sau, mình cố gắng loại bỏ suy nghĩ về bệnh tật ra khỏi đầu để sẵn sàng cho phác đồ điều trị của bác sĩ. May mắn là khi đó có một bệnh nhân cũng ung thư máu bạch cầu đã điều trị được 4 năm, tư vấn và đả thông thêm tư tưởng cho mình”, thầy Phi Anh nhớ lại.
“Thực tình mà nói thì cuộc đời mình còn may mắn. May mắn khi trời cho mình một cơ địa tốt để có thể tiếp nhận và vượt qua những đợt hóa trị. May mắn nữa là mình nhận được quá nhiều tình cảm, sự sẻ chia, đồng hành của gia đình, đồng nghiệp, học trò, bạn bè và những tấm lòng hảo tâm khắp cả nước. Có người ở tận TP Hồ Chí Minh đọc được hoàn cảnh của mình đã lên Đà Lạt mua nấm kim châm gửi xuống Đà Nẵng rồi tư vấn cách sử dụng để mình uống để tăng lượng bạch cầu trong máu. Rất nhiều người không quen biết đã gọi điện hỏi thăm, gửi tiền ủng hộ. Nhiều lắm, kể sao hết!”, thầy Phi Anh nói.
Thầy Phi Anh ngắt quãng cười hiền và kể tiếp: “Bạn biết không, lúc mình nhập viện là thời điểm cuối tháng, ví còn 200.000 đồng, trong lúc cần gấp hơn 2 triệu nộp cho bệnh viện để chạy tiểu cầu. Chưa biết xoay sở đâu ra số tiền lớn ấy thì đồng nghiệp đến thăm, ủng hộ hơn 4 triệu. Bà xã mình khi ấy nói trong nước mắt: Cũng may anh hè”.
Người truyền cảm hứng sống
Sau 8 tháng điều trị bằng phác đồ của các bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế, thầy Phi Anh tạm thời chiến thắng được căn bệnh ung thư máu bạch cầu. Tuy nhiên, sau quá trình hóa trị và sử dụng quá nhiều thuốc, thầy bị nhiễm độc gan nặng, buộc phải thay máu. Cuối năm 2014, các bác sĩ vui mừng thông báo độc tố trong máu thầy Phi Anh đã được loại bỏ, mầm ung thư được khắc chế và tạm thời “ngủ yên”. Thầy trở lại trường dạy học với tình hình sức khỏe ổn định.
Không nhiều người làm được như thầy Phi Anh. Bởi ngoài nghị lực phi thường, thầy sống rất lành mạnh. “Lúc điều trị bệnh, mình còn 54kg, nhưng bây giờ lên đến 70kg rồi đấy! Sáng nào mình cũng cùng bà xã đạp xe 20km, rồi đi tắm biển, tập vài bài dưỡng sinh. Trước khi đi ngủ, mình tự bấm huyệt để khí huyết lưu thông, cho giấc ngủ sâu. Có thời gian rãnh, mình tập thêm những bài thiền để loại bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực ra khỏi người…”, thầy Phi Anh chia sẻ.
Nói về đồng nghiệp, thầy Phạm Đình Được bày tỏ: “Đối với tôi, thầy Phi Anh là tấm gương tuyệt vời về nghị lực. Thầy ấy là nguồn cảm hứng sống, là người gieo niềm tin cho bao thế hệ học trò của mình cũng như đồng nghiệp. Trong mắt chúng tôi, Phi Anh là đồng nghiệp tuyệt vời. Trong mắt học trò, thầy Phi Anh chuẩn không cần chỉnh”.
Hiện nay, thầy Phi Anh uống thuốc hằng ngày để chế ngự tế bào ung thư trong cơ thể và cứ 6 tháng phải đến bệnh viện lấy tủy xét nghiệm. Chi phí điều trị giảm rất nhiều nhưng cuộc sống gia đình vẫn khó khăn vì mẹ già, vợ ở nhà nội trợ và còn 2 đứa con ăn học. Tuy nhiên, thầy vẫn cười tươi và chẳng hề nhắc đến 2 từ khó khăn. Thầy còn khoe cậu con trai đầu năm nay vừa đỗ đại học.
Khép lại buổi trò chuyện, thầy Phi Anh truyền thông điệp: “Sống phải suy nghĩ tích cực, dù chúng ta không may mắn rơi vào nghịch cảnh. Mình luôn tự tạo niềm vui để đánh bật đi nỗi bất hạnh, sẵn sàng đối mặt với khó khăn để vượt qua nó”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần