Đó là thầy giáo Trần Hòa, hiện là hiệu trưởng Trường Tiểu học Jơ Ngây (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, Quảng Nam). Chúng tôi gặp thầy vào một ngày cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, khi bao lớp học trò đang bồi hồi trở về trường xưa thăm thầy cô cũ. Trong ngôi nhà vách ván đơn sơ của thầy Hòa, những tờ giấy khen đã úa vàng được treo trang trọng một góc nhà, đặc biệt là chiếc hộp đựng kỉ vật (chiếc răng nanh heo rừng, cái móng gấu, cái tẩu thuốc bằng cây trúc... những món quà mà dân làng yêu mến tặng thầy mỗi lần chuyển công tác đến trường khác) được thầy nâng niu và xem là "báu vật" đã ghi dấu những tháng ngày trong hơn 30 năm gắn bó nơi vùng biên.
Thắp đuốc động viên học sinh tới trường Thầy giáo Trần Hòa sinh năm 1957, quê xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư Phạm Đà Nẵng, tháng 9/1978, thầy tình nguyện xung phong lên với bản làng, với đồng bào Cơ Tu nơi vùng biên giới huyện Hiên (nay đã tách thành 2 huyện Đông Giang, Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam) để dạy học. Ban đầu thầy được phân công về dạy tiểu học ở xã Dang, một năm sau thầy được đề bạt làm phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng các trường nơi biên giới (xã Ch'Ơm, Tr' Hy huyện Hiên, Quảng Nam) với bao khó khăn gian khổ thời đói cơm, lạt muối. Đến năm 1984, thầy về làm Chủ tịch Công Đoàn ngành giáo dục huyện Hiên. Năm 1987, thầy Trần Hòa về làm cán bộ quản lí lần lượt các trường Tà Lu, xã Ba, xã Tư, Sông Vàng và nay là hiệu trưởng Trường tiểu học Jơ Ngây. Thầy Hòa nhớ lại: "Ngày ấy nơi này là chốn "rừng thiêng nước độc", khắc nghiệt lắm! Không điện, không đường, trường lớp thì tranh tre vách nứa, tiền lương thời bao cấp chỉ vài trăm đồng không đủ sống nên phải dựa vào sự đùm bọc sắn khoai cùng đồng bào Cơ Tu. Ngoài dạy học, giáo viên còn phải bắt ốc hái rau, chăn nuôi gà vịt để cải thiện cuộc sống. Đêm đêm thắp đuốc đến từng bản làng, từng nhà để vận động, dỗ dành các em nhỏ Cơ Tu để các em tới trường lớp". Cái khó khăn của giáo viên thời đó không chỉ là vật chất mà còn thiếu hụt về tinh thần tình cảm. Bởi hầu hết giáo viên dạy học nơi biên giới là giáo viên nam thì mới có thể chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt và thiếu đói. Mỗi lần từ cơ sở về Phòng Giáo dục là thầy Hòa phải đi bộ vượt rừng 5, 6 ngày đường. Thiếu thốn và gian nan quá nên nhiều đồng nghiệp đã bỏ trường về xuôi, nhiều lúc tư tưởng của thầy Hòa và giáo viên khác cũng đã lung lay. Nhưng rồi lại thương học trò Cơ Tu đói ăn, đói mặc lại còn thêm đói chữ nên không đành đoạn bỏ về và thầy cô lại gắn bó với vùng cao cho đến tận bây giờ như một duyên nghiệp.
Học trò Cơ Tu nơi miền biên ải. |
Người thầy "của dân tộc mình" Thầy Hòa đưa chúng tôi thăm điểm trường thôn Zà Há bằng xe máy, từ đường lộ ĐT 604 đến được nơi dạy học phải vượt đèo dốc, sình lầy 5 km, qua hai chiếc cầu treo đã hư hỏng nặng. Đây là điểm trường khó khăn nhất của xã Zơ Ngây còn phải dạy theo chương trình lớp ghép. Thầy Hòa trò chuyện với học trò Cơ Tu bằng ngôn ngữ của dân làng rồi xúc động tâm sự, dạy học những nơi như thế này cái tâm của thầy cô là quan trọng hơn cả, không yêu thương, không biết thông cảm, sẻ chia thì không thể nào dạy học có kết quả được. Vì hầu hết là con em người Cơ tu thuộc hộ nghèo, buổi đi học buổi lên nương, khi đến trường còn không kịp ăn uống. Nhìn bản làng heo hút, nhìn những đứa trẻ lem nhem mới thấy thán phục và trân trọng hơn người thầy "của dân tộc mình" như cách gọi của dân làng Cơ tu nơi đây về thầy giáo Trần Hòa.
Ông Nguyễn Văn Lê, phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Đông Giang (Quảng Nam) nhận xét : Thầy Trần Hòa là một cán bộ quản lí giàu kinh nghiệm, thầy sử dụng ngôn ngữ Cơ Tu thành thạo và rất am hiểu về văn hóa, cuộc sống của đồng bào. Vì thế mà thầy Trần Hòa không chỉ được giáo viên và học sinh nể phục mà người dân Cơ Tu nơi đây cũng rất quý mến thầy.
Bản làng nơi biên giới giờ đây cũng đã thay đổi nhiều, đời sống của giáo viên vùng cao cũng dần dần bớt khổ, nhưng biết bao những già làng, những lớp học trò thầy Hòa không nhớ hết tên đều nhớ tên và gọi bằng cái tên trìu mến "thầy Hòa khu 7" (khu 7 là cách gọi chung cho 4 xã biên giới như Ga Ry, Ch'Ơm, A Xan, Tr'Hy huyện Tây Giang, Quảng Nam). Ông Bríu Liếc Bí Thư huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) nói về thầy Trần Hòa - một trong những thầy giáo đầu tiên của mình :"Ngày đó Khu 7 gian khổ vô cùng, và đa số là mù chữ nên được tin có thầy giáo lên dạy học chúng tôi và cả dân làng vui mừng khôn xiết. Lớp học trò ngày ấy của chúng tôi giờ đã trưởng thành nhưng dù ở địa vị nào thì suốt đời mãi ghi nhớ công ơn thầy Hòa và các thầy cô thời gian khó...". Còn cô giáo Nguyễn Bích Ngọc, hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Vàng (xã Ba, Đông Giang), nhận xét: "Thầy Hòa từng làm cán bộ quản lí trường này, nay đã chuyển công tác, thầy tính tình hiền lành, ôn hòa và rất tận tâm với công việc nên giáo viên và học sinh đều quý mến thầy. Cung cách sống và làm việc của thầy Hòa luôn là tấm giương cho chúng tôi noi theo...".