Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người thu nhập thấp ở Thủ đô có thêm cơ hội sở hữu nhà ở

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, Hà Nội đang đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện cơ chế chính sách, đến việc cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng các dự án nhà ở này.

Ngay từ những tháng đầu năm 2017, người dân thu nhập thấp đô thị đã và đang có thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho mình một căn hộ nhà ở xã hội phù hợp và ổn định.
Đề xuất chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi rà soát một số dự án nhà ở trên địa bàn thành phố, Sở đã đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố chuyển đổi 2 tòa nhà A2, A3 thuộc Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) sang nhà ở xã hội.
Theo ông Dũng, việc chuyển đổi này nhằm giải quyết các khó khăn trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như khai thác sử dụng dự án, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư.
Đặc biệt, căn cứ vào tình hình thực tế, sự phù hợp quy hoạch và chương trình phát triển nhà ở của thành phố, việc đề xuất các cấp thẩm quyền cho phép chuyển đổi 2 hạng mục nhà A2, A3 hoàn toàn phù hợp với Luật Nhà ở năm 2014.
 Hai tòa nhà thuộc khu nhà ở học sinh, sinh viên khu Pháp Vân-Tứ Hiệp được xem xét chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Theo quy hoạch, dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai bao gồm 6 tòa nhà cao 20 tầng (A1, A2, A3, A4, A5, A6), cung cấp khoảng 22.000 chỗ ở cho học sinh, sinh viên.
Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009, nhưng đến tháng 1/2015, 3 tòa (A1, A5, A6) mới xây dựng xong và đưa vào sử dụng.
Từ thực tế quản lý cho thấy, mặc dù 3 tòa nhà A1, A5, A6 đủ đáp ứng chỗ ở cho gần 11.000 sinh viên, với giá thuê 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước), nhưng thời gian qua lại không sử dụng hết công năng, thậm chí nhiều diện tích bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn.
Hiện mới có 3.500 sinh viên vào ở (đạt tỷ lệ 35% công suất). Bên cạnh đó, nhà A4 chưa thi công do vướng mắc giải phóng mặt bằng; nhà A2, A3 chưa hoàn thiện do thiếu vốn, hiện đã dừng triển khai ở phần xây thô, hoàn thiện trát trong, trát ngoài và một phần lắp đặt đường ống cấp thoát nước…
Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tránh nợ đọng, trên cơ sở thống nhất với Liên danh tổng thầu, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất tách hạng mục nhà A4 khỏi dự án, sau khi giải phóng mặt bằng sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, đồng thời, cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa.
Doanh nghiệp được giao có trách nhiệm hoàn trả phần kinh phí Nhà nước đã đầu tư cho hạng mục nhà A2, A3 khoảng 340 tỷ đồng, để có nguồn trả nợ cho khối lượng đã hoàn thành của nhà A1, A5, A6 (khoảng 233,8 tỷ đồng).
Các chuyên gia cho rằng, việc đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 sang nhà ở xã hội của Sở Xây dựng là hoàn toàn phù hợp và cần thiết, tránh lãng phí, đặc biệt đáp ứng được nhu cầu bức thiết về nhà ở của xã hội. Song, để thu hút người dân về đây ở, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đảm bảo tối đa mọi điều kiện ở cho người dân.
Doanh nghiệp hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho khách hàng
Có thể thấy, cùng với hướng đề xuất trên của Sở Xây dựng Hà Nội với mục tiêu chính là giải quyết chỗ ở cho một bộ phận lớn người dân còn khó khăn về nhà ở, một số chủ đầu tư trên địa bàn thành phố cũng đang “chung tay, chung sức” với thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tháo gỡ vướng mắc để tạo cơ hội cho người dân có điều kiện được mua nhà giá rẻ.
Đáng chú ý, tại dự án nhà ở xã hội The Vesta, khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, người dân đang mong đợi nguồn vốn vay ưu đãi mới theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/1/2017, thì chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát vừa công bố gói vay ưu đãi đến các khách hàng có nhu cầu mua nhà ở xã hội tại dự án trong năm 2017, theo đó, với mức giá bán từ 13,5 triệu đồng/m2, người mua căn hộ tại dự án này sẽ được hỗ trợ vay 80% giá trị căn hộ với lãi suất ổn định 5%/năm trong 15 năm.
The Vesta là một trong những dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn nhất Thủ đô (thuộc điểm công nghiệp Phú Lãm, quận Hà Đông), có diện tích 45ha và tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng.
Dự án gồm 8 khối nhà 19 tầng (gồm 18 tầng nổi và 1 tầng hầm), mật độ xây dựng 44%, bố trí 1.902 căn hộ có diện tích từ 48m2 đến 69m2, dự kiến đi vào sử dụng sẽ giải quyết chỗ ở cho 3.909 người.
Hiện các tòa từ V1 đến V6 đã được cất nóc và đang hoàn thiện các hạng mục điện nước, trần thạch cao, ốp lát.
Tuy nhiên, The Vesta hay một số dự án tương tự trên địa bàn thành phố từ tháng 4/2016 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ việc dừng gói 30 nghìn tỷ nên nhiều khách hàng mặc dù đã nộp hồ sơ nhưng không đến ký hợp đồng mua nhà.
Hay một tin vui khác đến với người thu nhập thấp Thủ đô tại thời điểm này là tại quận Hoàng Mai, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội đợt 1 tại ô đất C11-ODK4, nằm trên phố Tam Trinh, phường Yên Sở.
Dự án gồm 2 khối nhà cao 21 tầng, trong đó 1 tầng hầm chung nối giữa 2 khối nhà là khu vực để xe; tầng 1, 2 xây dựng thương mại dịch vụ, sinh hoạt cộng đồng; tầng 3 đến 21 xây dựng căn hộ chung cư.
Với tổng số 532 căn hộ, diện tích từ 46,5 đến 70m2 (bao gồm 313 căn nhà ở xã hội để bán, 121 căn cho thuê, 98 căn được phép bán thương mại), dự án đang thi công phần móng, sẽ ký hợp đồng mua bán đợt 1 (313 căn hộ) vào tháng 4/2017, hoàn thành vào quý 4/2018.
Theo chủ đầu tư, giá bán nhà ở xã hội tại dự án này dự kiến trung bình 14.147.136 đồng/m2; giá cho thuê dự kiến 64.831 đồng/m2/tháng. Cả hai mức giá trên đều chưa bao gồm thuế VAT và chi phí bảo trì.
Quan điểm tiếp tục phát triển nhà ở xã hội đã được khẳng định với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Cơ hội sở hữu căn hộ cho người thu nhập thấp đô thị vẫn luôn hiện hữu, nhưng để đảm bảo hiện thực hóa “giấc mơ an cư,” rất cần có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là việc sớm triển khai gói vay ưu đãi 5% của Chính phủ để người dân Thủ đô có điều kiện tiếp cận với các dự án phù hợp tại từng thời điểm mở bán của chủ đầu tư.