Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người thương binh làm giàu từ nghề nuôi ong

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng tiềm năng, lợi thế đất rừng, ông Nguyễn Quang Đài ở xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã đầu tư nuôi ong lấy mật. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật, mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Video: Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Nguyễn Quang Đài ở xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang

Trăn trở làm giàu của người thương binh

Rời quân ngũ trở về địa phương với tấm thẻ thương binh hạng 4/4, ông Nguyễn Quang Đài (SN 1963, ở thôn Mỹ Ngọc, xã Đức Lĩnh) luôn trăn trở tìm hướng làm giàu. Với phẩm chất của người lính, đặc biệt là tinh thần cần cù lao động, sáng tạo, ông đã mạnh dạn chọn hướng phát triển kinh tế gia đình bằng việc đầu tư nuôi ong lấy mật.

Ông Nguyễn Quang Đài theo dõi, kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của các đàn ong
Ông Nguyễn Quang Đài theo dõi, kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của các đàn ong

Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhất là các chương trình dự án đào tạo nghề nuôi ong, ông Nguyễn Quang Đài đã dành nhiều thời gian, công sức tìm tòi, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nuôi ong nội địa. Từ chỗ chỉ nuôi thử nghiệm một số đàn ong dưới tán cây rừng tự nhiên, đến nay gia đình ông Đài đã có trên 100 đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt.

Ghi nhận tại khu vườn rộng lớn hầu hết dưới những gốc cây ăn quả, các chậu hoa, cây cảnh đều được đặt thùng gỗ nuôi ong. Tiếng ong kêu vo ve, từng đàn ong chao lượn đi tìm hoa, hút mật, tạo cảm giác khu vườn rất thanh tĩnh, con người như hòa vào thiên nhiên trong lành với nhiều cảm xúc khác nhau.

Hàng chục thùng nuôi ong đặt dưới gốc cây ăn quả.
Hàng chục thùng nuôi ong đặt dưới gốc cây ăn quả.

Vừa tự tay lấy những tầng ong mật đặc vàng rộm, sóng sánh, ông Đài kể lại: “Tôi bén duyên với nghề nuôi ong lấy mật đã vài chục năm nay. Ban đầu chỉ nuôi thử nghiệm,  sau đó thấy hiệu quả kinh tế cao nên mạnh dạn nhân giống, tăng đàn, mở rộng quy mô nuôi và coi đây là nghề thu nhập chính của gia đình".

Ông Đài cho biết thêm, gần đây bình quân mỗi năm gia đình thu hoạch khoảng 1,3 tấn mật, xuất bán hàng chục đàn ong giống, thu về hơn 200 triệu đồng/ năm. Ong nuôi dưới tán cây ăn quả, cây rừng tự nhiên, mật luôn có màu sắc đẹp, chất lượng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

“Sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn Vietgap, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đặc biệt, tại các cuộc hội thảo khoa học, những dịp trưng bày giới thiệu sản phẩm hoặc những lúc có các đoàn khách tham quan mô hình nông thôn mới…mật ong của gia đình luôn được mọi người đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và đặt mua với số lượng lớn”, ông Nguyễn Quang Đài tự hào chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Đài thu hoạch mật ong vụ Xuân- Hè
Ông Nguyễn Quang Đài thu hoạch mật ong vụ Xuân- Hè
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật, con ong đã kết tinh những tầng mật sóng sánh, chất lượng thơm ngon
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật, con ong đã kết tinh những tầng mật sóng sánh, chất lượng thơm ngon

Mô hình nhiều triển vọng

Với kinh nghiệm và hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong mang lại, những năm qua ông Nguyễn Quang Đài luôn tích cực hỗ trợ, truyền đạt kỹ thuật cho hàng chục hội viên của Hợp tác xã nuôi ong Đức Lĩnh. Nhờ đó, nhiều gia đình hội viên, nhất là các thương binh, bệnh binh, người khuyết tật… đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong lấy mật.

“Được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và cung ứng ong giống của ông Đài, hiện nay tôi đang nuôi 20 đàn ong lấy mật và dự kiến sẽ phát triển thêm. Nghề nuôi ong khá nhàn hạ, thu nhập ổn định và đặc biệt con ong còn giúp thụ phấn cho các loài hoa, cây nông sản, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng”, ông Nguyễn Trọng Dũng ở xã Đức Lĩnh chia sẻ.

Nghề nuôi ong đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đồi núi, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nghề nuôi ong đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đồi núi, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn xã Đức Lĩnh có khoảng 2.000 đàn ong lấy mật, trong đó riêng các thành viên của Hợp tác xã nuôi hơn 800 đàn ong. Nếu như trước đây, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, thì nay hầu hết người dân trên địa bàn đều mạnh dạn nhân giống, tăng đàn, nuôi theo hướng hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Đức Lĩnh Nguyễn Trường Giang cho biết, địa bàn xã Đức Lĩnh chủ yếu đồi núi, các loài cây rừng, hoa tự nhiên phong phú rất phù hợp với nghề nuôi ong lấy mật. Nghề nuôi ong phá triển góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nhất là nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập.

“Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Nguyễn Quang Đài là mô hình điển hình, thu hút rất nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Năm 2024 xã Đức Lĩnh phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Do vậy, bên cạnh đẩy mạnh phong trào trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, địa phương chú trọng phát triển nghề nuôi ong, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững”, ông Nguyễn Trường Giang thông tin.

Sản phẩm mật ong Đức Lĩnh mang hương vị núi rừng, được thị trường ưa chuộng
Sản phẩm mật ong Đức Lĩnh mang hương vị núi rừng, được thị trường ưa chuộng

Đầu tư nuôi ong lấy mật ở vùng rừng núi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Nguyễn Quang Đài đã và đang mở ra hướng đi mới, phù hợp, đầy triển vọng, góp phần thúc đẩy kinh tế ở xã Đức Lĩnh phát triển đi lên.