Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người thuyền trưởng nhiệt huyết trong sự nghiệp trồng người

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

25 năm xây dựng và phát triển của trường Nguyễn Siêu được khởi phát từ chính chữ “Đức”, chữ “Tâm” và khát vọng cháy bỏng của Đại tá - Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Trọng Vĩnh - Chủ tịch HĐQT.

Dù đã bước sang tuổi 81, nhưng người thầy ấy vẫn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Ông là một trong 9 cá nhân được TP Hà Nội phong tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016”.
Lâu nay, những người đi đầu thường là những người gặp nhiều gian nan, thử thách, nhưng với NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh, điều này hoàn toàn không phải là trở ngại. Trải qua nhiều vị trí công tác, nguyên là Hiệu trưởng trường Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (cũ); Trưởng phòng Tuyên huấn Binh chủng Công binh, sau khi nghỉ hưu, tâm huyết với nghề giáo dục, năm 1991, ông đã mở trường dân lập mang tên Nguyễn Siêu, một trong 3 trường dân lập đầu tiên ở Hà Nội.
 Đại tá - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh - Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Siêu. Ảnh: Thảo Linh
Kể về những ngày đầu thành lập, NGƯT Nguyễn Trọng Vinh chia sẻ: Trường đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do chưa có kinh phí hoạt động, chưa có đất để xây trường, phải đi thuê ở nhiều địa điểm khác nhau. Vượt qua nhiều khó khăn, ông đã cùng những đồng nghiệp, nhất là “người bạn đời” - nhà giáo Dương Thị Thịnh quyết tâm xây dựng một ngôi trường đào tạo nên những học sinh không chỉ phát triển hết tiềm năng, năng khiếu mà còn giàu lòng nhân ái, biết yêu thương, quan tâm đến mọi người.
“Tôi vẫn tự hào và luôn khẳng định trường Nguyễn Siêu mang bản sắc Việt Nam, rèn từ đạo đức, lối sống rồi mới đến kiến thức. Là người lính nên tôi biết cách rèn các con tính kỷ luật. Tạo dựng nền nếp tích cực cho học trò đi vào khuôn khổ. Cái chính là kiên trì, nhất quán, thực hiện hàng ngày” - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh bày tỏ. Theo thời gian, trường Nguyễn Siêu đã dần vượt qua những khó khăn chồng chất và đến nay trở thành một trong những trường dân lập hàng đầu của Thủ đô với 91 lớp học, gần 2.500 học sinh và hơn 200 cán bộ, giáo viên. Trường cũng được biết đến với những nét riêng về các nguyên tắc văn hóa cùng sự không ngừng lao động học tập, nghiên cứu, có nhiều sáng kiến, biện pháp xây dựng trường. Chính thầy Nguyễn Trọng Vĩnh đã đưa trường Nguyễn Siêu trở thành trường đầu tiên ngoài công lập đạt danh hiệu “Trường chất lượng cao” chuẩn quốc gia.
Không những vậy, trường còn luôn đi đầu trong mọi hoạt động giáo dục của TP, trở thành điểm sáng của giáo dục Thủ đô. Sau 11 năm thực hiện mô hình “Trường cung ứng dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao” theo chủ trương của Thành ủy Hà Nội năm 2006, chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng cao. Hàng năm, học sinh tốt nghiệp THPT đều đạt 100%, trên 80% trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong nước hoặc có thể giành học bổng các trường ĐH danh tiếng của nước ngoài. Với phương châm phải luôn đi tiên phong, trường đã chính thức gia nhập hệ thống trường quốc tế được ĐH Cambridge Anh quốc công nhận.
Không chỉ có nhiều giáo viên và học sinh của trường đạt giải cao trong các cuộc thi quốc gia cũng như quốc tế, mà thầy Vĩnh cùng tập thể trường luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. 5 năm qua, thầy cùng trường đã huy động, ủng hộ, tặng quà cho học sinh nghèo hơn 1,7 tỷ đồng trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh trong cả nước.
Hơn 62 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, ông đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành giáo dục và cả nước. Dù đã bước sang tuổi 81 nhưng NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh quan niệm còn sức là còn cống hiến, đào tạo nên những thế hệ trẻ đóng góp xây dựng Thủ đô và đất nước, đưa mái trường Nguyễn Siêu từng bước phấn đấu vươn lên xứng tầm với các trường chất lượng cao của Hà Nội và khu vực, xứng đáng với “Ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu”. “Ngôi trường mơ ước với 25 năm tâm huyết của tôi và người bạn đời cùng các đồng nghiệp phải được tiếp tục phát triển để đào tạo học sinh trở thành những công dân có tri thức, có sức khỏe chủ động sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, hội nhập quốc tế” - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh trăn trở. Đây chính là lý do khiến ông tiếp tục làm việc và cống hiến ở độ tuổi “xưa nay hiếm”.