Người tiêu dùng chật vật trước cơn bão giá

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu đang “phi mã” theo giá xăng dầu, trong khi thu nhập không tăng, thậm chí còn giảm sút. Điều này đã khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm trước cơn bão giá gõ cửa từng gia đình.

Hàng hóa tăng giá, sức tiêu thụ giảm mạnh

Chỉ vài ngày sau khi Liên Bộ Tài Chính-Công Thương điều chỉnh tăng giá xăng dầu lên mức tiệm cận 33.000 đồng/lít, giá thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đã tăng giá. Bà Nguyễn Thị Nhung, kinh doanh thực phẩm tại chợ Khương Thượng (Đống Đa) cho biết, thịt lợn, thịt bò đã tăng giá khoảng 10-15% so với đầu tháng 6. Hiện thịt vai, ba chỉ, sườn thăn 120.000-130.000 đồng/kg, chân giò, thịt thăn 110.000-120.000 đồng/kg, thịt thăn, và bắp bò 300.000 đồng/kg, thịt mông 270.000/kg, thịt nạm và dẻ sườn 220.000- 250.000/kg.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan, kinh doanh gia cầm tại chợ Thành Công (Ba Đình), giá thịt gia cầm cũng tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/kg, gà ri nguyên lông  đã bán ra với mức 165.000–170.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với quý I/2022, trứng gà ta đã tăng khoảng 1.000 đồng/quả.

Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại một số chợ dân sinh cho thấy, giá thực phẩm ở mức cao “chóng mặt”, cà chua loại nhỏ bán ra với giá 30.000 đồng/kg, loại to 40.000 đồng/kg, các loại rau muống, ngót, cải mơ… 18.000-22.000 đồng/mớ, bí đao, đậu quả, dưa chuột, cà rốt… 30.000 đồng/kg, ngay cả muối ăn cũng tăng thêm 1.000 đồng/gói.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C.

Không chỉ mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh tại hệ thống chợ truyền thống tăng giá mà tại hệ thống siêu thị cũng trong tình trạng tương tự. Tại hệ thống siêu thị Big C, Co.op Mart… mặt hàng dầu ăn đã tăng 15-20%, hiện dầu ăn Simply lên đến 315.000 đồng/chai 5 lít, mì tôm Omachi tăng thêm 20.000 đồng/thùng, bán ra ở mức 250.000 đồng/thùng 30 gói; nước mắm Nam Ngư tăng thêm 5.000 đồng/chai, bán ra với giá 44.000 đồng/chai 750ml...

Việc thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá, trong khi thu nhập giảm sút nên sức tiêu thụ giảm mạnh. Bà Đặng Mai Linh ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) cho biết, mặc dù hàng hóa trên thị trường dồi dào, nhưng nhiều mặt hàng lương thực, rau xanh tăng giá khiến người tiêu dùng phải tính toán kỹ lưỡng chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày.

“Để giảm thiểu chi tiêu, tôi áp dụng chế độ tiết kiệm, nếu như trước đây gia đình tôi phải mua 5-6 lạng thịt, hết khoảng 80.000-90.000 đồng, thì nay tôi không mua theo số lượng đó, mà “khoán” chi tiêu hằng ngày. Tức là mỗi ngày chỉ được tiêu 90.000 đồng tiền thịt, nếu rẻ thì ăn nhiều, đắt thì ăn ít”- bà Linh nêu ví dụ. Theo tiểu thương ở các chợ truyền thống, những ngày này lượng khách mua hàng giảm một nửa so với quý I/2022.

Chị Nguyễn Thị Hương, kinh doanh thịt lợn ở chợ Thái Hà (quận Đống Đa) cho biết, thực phẩm tăng giá nên lượng khách đến mua thịt lợn giảm hẳn, vì vậy cửa hàng cũng đã giảm lượng thịt nhập vào từ 70kg/ngày xuống còn 40-50kg/ngày.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, hiện sức mua ở các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã giảm từ 10 - 15%, thậm chí những mặt hàng cao cấp giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc hệ thống siêu thị Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong thừa nhận, mặc dù siêu thị tạo thêm rất nhiều tiện ích cho khách hàng như hoàn tiền vé xe buýt, giao hàng tận nhà với hoá đơn trị giá từ 500.000 đồng trở lên… nhưng doanh số của siêu thị cũng chỉ tương đương với thời kỳ năm ngoái. Điều đó có nghĩa là kinh doanh không tăng trưởng.

Theo dõi hóa đơn mua sắm của khách hàng, lãnh đạo nhiều siêu thị nhận xét, người tiêu dùng không chi tiêu thoải mái như trước, chỉ mua những mặt hàng thiết yếu. Giám đốc Co.op mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, các khách hàng vào siêu thị trước đây thường mua hàng trị giá từ 500.000-1 triệu đồng/lần, nhưng hiện con số này chỉ bằng 50% so với trước.

Siêu thị tăng cường khuyến mại

Nhằm kích cầu tiêu dùng kìm hãm tăng giá hàng hóa, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá đối với mặt hàng nhu yếu phẩm qua đó chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C.

Đại diện hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+ thông tin, từ nay đến hết háng 6 hệ thống siêu thị phối hợp với các nhà cung cấp lớn như Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan, Công ty CP Vifon, Công ty CP Tập đoàn KIDO, Công ty TNHH Miwon Việt Nam, Công ty Ajinomoto Việt Nam… triển khai Lễ hội hàng hóa “Đón hè rực rỡ - tiệc vui bất tận” qua đó giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu.

Cụ thể cà phê Vinacafé Wake-up đen đá 240g giảm giá 21% chỉ còn 44.000 đồng/hộp; cháo thịt bằm, cháo gà vifon 50g chỉ 3.400 đồng/gói, khuyến mại mua 4 tặng 1; phở vifon có gói sốt 75g giá chỉ 10.000 đồng/gói, khuyến mại mua 4 tặng 1 với vị bò và mua 3 tặng 1 với vị gà; miến sườn lượn, miến măng vịt vifon 58g chỉ 10.300 đồng/gói, khuyến mại mua 4 tặng 1; mì kokomi đại 90 tôm chua cay 90g giảm giá 23% chỉ còn 3.000 đồng/gói, 88.000 đồng/thùng.

 

Hầu hết hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Chính vì thế giá cả của hầu hết mặt hàng sẽ chịu tác động do chi phí đầu vào tăng cao. Trong những tháng cuối năm, việc giá hàng hóa dịch vụ tăng sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát, nguyên nhân do các nhà sản xuất, kinh doanh bắt đầu hoàn thành việc điều chỉnh giá bán các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhằm theo kịp đà tăng của xăng dầu.

TS Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam

Tương tự hệ thống siêu thị Co.op Mart tổ chức chương trình khuyến mại Mùa mua sắm - Shopping Season 2022”. Theo đó từ này đến hết ngày 15/7, siêu thị Co.op Mart giảm giá từ 10% đến mức cao nhất là mua một sản phẩm sẽ được tặng miễn phí một sản phẩm cùng loại cho 5 ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hoá phẩm, đồ dùng và may mặc.

Giám đốc Co.op mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, hiện siêu thị Co.op Mart giảm giá các sản phẩm đồ dùng , thời trang, mỹ phẩm lên đến 55%. Đặc biệt, mặt hàng thực phẩm tươi sống gồm thịt gia súc và gia cầm các loại có mức giảm từ 15% đến 20% cùng với các sản phẩm tặng kèm: Thịt vai, thịt đùi, sườn, thịt ba chỉ; thịt gà các loại như đùi gà một góc tư, ức gà phi lê,  thịt bò... được tặng gói bò viên 200g.

Không chịu thua kém, trong tháng 6/2022  hệ thống siêu thị Big C cũng tổ chức nhiều chương trình giảm giá cho mặt hàng thực phẩm tươi sống như sụn ức heo đông lạnh 500gr/túi giảm từ 70.000 đồng, xuống còn 38.000 đồng/túi, cá trứng đông lạnh  giảm từ 74.000 đồng/túi 500g xuống còn 43.000 đồng; fillet gà CP 500g giảm từ 45.000 đồng/túi 500 giảm xuống còn 39.000 đồng…

Theo các chuyên gia kinh tế để kích cầu tiêu dùng, tiêu thụ hàng hóa, các nhà sản xuất, bán lẻ nên có chính sách điều chỉnh giá cả linh hoạt, phù hợp với sức mua của người tiêu dùng ở từng thời điểm. Thêm nữa, khi lạm phát xảy ra, không phải giá cả của tất cả mặt hàng đều tăng bằng nhau, có những hàng hóa tăng ít hơn những loại khác. Do đó, nhà sản xuất có thể sử dụng những sản phẩm thay thế rẻ hơn để tiết kiệm chi phí.