Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người tiêu dùng đang bị rơi vào "ma trận" sâm Ngọc Linh thật-giả

Chia sẻ Zalo

Chiều 14/8, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam để nắm bắt tình hình về hoạt động mua bán sâm Ngọc Linh giả diễn ra trong thời gian qua, từ đó tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương có biện pháp xử lý vấn đề này để bảo vệ thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam Phạm Viết Tích cho biết, sau khi sâm củ Ngọc Linh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và được công nhận là sản phẩm quốc gia, nhu cầu sử dụng sâm Ngọc Linh tăng lên nhanh chóng. Giá sản phẩm sâm Ngọc Linh tăng cao là điều kiện dẫn đến tình trạng xuất hiện sâm giả.
Củ cây sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Việc xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả hiện nay hoàn toàn dựa vào cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm của người trồng sâm và những người nghiên cứu về sâm. Công tác quản lý hiện đang có sự chồng chéo giữa các ngành chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh.
Hiện tại, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam chưa thực hiện cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” đối với sản phẩm sâm củ cho các tổ chức, cá nhân nhưng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh lại đang tự ý sử dụng. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều trang mạng tự ý rao bán sản phẩm sâm củ Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương cho phép huyện Nam Trà My tổ chức chợ phiên bán sâm Ngọc Linh mỗi tháng một lần, bắt đầu từ tháng 8/2017 để cung cấp sản phẩm sâm Ngọc Linh thật đến người tiêu dùng đồng thời, tỉnh sẽ sớm thành lập Hội sâm Ngọc Linh và quế Trà My Quảng Nam, hoàn chỉnh quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh. Tỉnh Quảng Nam đã thiết kế và chuẩn bị cho in tem chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh Quảng Nam để dán lên sản phẩm.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đặt tại huyện Nam Trà My. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh, trước khi được đưa ra thị trường. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm chỉ đạo các Sở Khoa học và Công nghệ trên toàn quốc phối hợp xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm củ có gắn dấu hiệu chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sử dụng…
Năm 2016, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh. Đơn vị tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là Sở Khoa học và Công nghệ hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Khu vực địa lý gồm hai xã Măng Ri, Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) và xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).