Người tiêu dùng "ngại" khiếu nại: Sợ mất thời gian

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần lớn người tiêu dùng Việt chưa thực sự quan tâm hoặc không biết tới các tổ chức có thể bảo vệ quyền lợi của mình mỗi khi gặp phải sự cố khi tham gia tiêu dùng.

Theo báo cáo được Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) công bố về một cuộc khảo sát mới được thực hiện với 1200 người, có tới 90% trong số này không hề biết đến bất kỳ cơ quan, hiệp hội, tổ chức nào có thể bảo vệ mình khi tham gia các hoạt động tiêu dùng.

Cuộc khảo sát này cũng cho thấy các con số khá tiêu cực về thị trường tiêu dùng Việt. Có tới 46% người được hỏi cho biết họ đã mua phải hàng kém chất lượng so với quảng cáo, 40% đã bỏ tiền cho các sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng và hơn 30% đã mua phải thực phẩm hết hạn, ôi hỏng, hàng giả, hàng nhái…
Phần đông người tiêu dùng không biết tự bảo vệ và đòi quyền lợi cho mình khi gặp sự cố khi tham gia tiêu dùng (Ảnh minh họa)
Phần đông người tiêu dùng không biết tự bảo vệ và đòi quyền lợi cho mình khi gặp sự cố khi tham gia tiêu dùng (Ảnh minh họa)
Cũng theo thông tin từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, mỗi năm Hội này tiếp nhận hơn 1.000 vụ khiếu nại từ người tiêu dùng với tỷ lệ hỗ trợ giải quyết hậu quả thành công lên tới hơn 80%. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội cho biết, số lượng người tiêu dùng gặp thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với con số trên.

Phần đông người tiêu dùng Việt chưa có ý thức rõ ràng hoặc không biết tới việc mình có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức độc lập nhằm đứng ra bảo vệ quyền lợi mỗi khi gặp các vấn đề liên quan tới hoạt động tiêu dùng, ông Hùng cho biết.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE cho rằng, không ít người tiêu dùng đang có tâm lý "ngại" khiếu nại, phản ánh mỗi khi quyền lợi của mình bị thiệt hại vì sợ tốn thời gian những không giải quyết được gì.

Mặc dù đã có Luật Bảo vệ quyền người tiêu dùng nhưng rất nhiều người không biết tới Luật này, cũng như có nhiều người không tin rằng Luật có thể bảo vệ được quyền lợi của mình, ông Bình chia sẻ thêm.

Nói về sự liên kết giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chính bản thân những người tham gia lĩnh vực tiêu dùng, ông Hùng cho rằng đây chính là hành động để tự bảo vệ mình.

Việc phát động phong trào tẩy chay với các sản phẩm, đơn vị kinh doanh kém chất lượng với sự tham gia của các tổ chức lẫn cá nhân người tiêu dùng sẽ có tác động mạnh và gây thiệt hại lớn hơn nhiều đối với các doanh nghiệp có vấn đề ở trên, thay vì nhiều hạn chế nếu sử dụng các chế tài xử phạt thông thường, ông Hùng tư vấn.

Nhằm "tăng lực" thêm cho các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Tổ chức và Đoàn kết vì người tiêu dùng cho rằng thay vì chỉ cho phép cá nhân khởi kiện, Luật Bảo vệ người tiêu dùng nên mở rộng các các hiệp hội, đại diện cho tập thể người tiêu dùng có quyền tương tự.

Ngoài ra, thay vì quy định như hiện nay, các khoản đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng không nên nộp thẳng vào ngân sách nhà nước mà cần phải được trả lại cho người tiêu dùng thông qua các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do các tổ chức, đơn vị đại hiện cho họ thực hiện, bà Anh cho biết thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần