Từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện tới nay, thời trang là một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề. Buôn bán ế ẩm trong một thời gian dài, nhiều chủ hàng thời trang phải chuyển nhượng cửa hàng, trả lại mặt bằng kinh doanh để giảm chi phí. Một số chuyển sang kinh doanh online, thậm chí dừng hẳn.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Anh, chủ một shop thời trang trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) chia sẻ, trước đây chị thuê cửa hàng với giá 15 triệu đồng/tháng, nhưng hiện giờ đã phải trả lại mặt bằng thuê vì không đủ chi phí. Chị Cẩm Anh xoay sang bán online, tuy nhiên tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan. Theo chị Cẩm Anh, khi dịch bệnh tràn tới, chỉ có đồ ăn và hàng hóa thiết yếu mới bán chạy. Mặt khác, người dân cũng có xu hướng cắt giảm chi tiêu khi thu nhập bị ảnh hưởng nên ngành thời trang càng rơi vào cảnh ế ẩm.
Cùng cảnh đìu hiu, anh Phạm Tuấn Quỳnh - chủ shop kinh doanh phụ kiện thời trang ở Chùa Bộc cho biết, nhu cầu mua sắm của khách hàng giảm nhiều trong bối cảnh dịch bệnh, doanh thu của cửa hàng giảm tới 50% so với năm trước. Tuy nhiên, do anh đã trót ký thuê cửa hàng 2 năm nên đành cố duy trì. Đặc biệt, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động kinh doanh của cửa hàng đã “đóng băng” do không nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu. “Tôi xoay sở thêm bằng cách tham gia bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Lazada, Tiki… đồng thời chạy thêm chương trình khuyến mại để hút khách, nhưng tình hình vẫn khá ảm đạm” – anh Quỳnh chia sẻ.
Bên cạnh shop thời trang nhỏ, các thương hiệu thời trang nổi tiếng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. IVY moda - thương hiệu thời trang Việt Nam đình đám cũng không ngoại lệ. CEO của IVY moda Lê Thị Ngọc Linh chia sẻ, doanh số bán hàng offline của thương hiệu giảm đến 70% so với cùng kỳ, mảng online cũng không có sức bật như năm trước. Làn sóng dịch Covid-19 lần này có ảnh hưởng khác hoàn toàn với các đợt dịch trước. Do đó, ban lãnh đạo công ty đang giữ phương thức cân bằng hoạt động khi ứng phó với các vấn đề gặp phải; theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19 và điều chỉnh hoạt động bán hàng mỗi ngày. “Với DN bán lẻ như IVY thì chuyển đổi số là quan trọng. Hệ thống bán hàng lớn đồng nghĩa chi phí lớn. Năm ngoái, chúng tôi bật mạnh về mảng online, tham gia các sàn thương mại điện tử. Nếu dịch kéo dài nữa thì bắt buộc sẽ phải thu gọn hệ thống bán trực tiếp mới có thể cân bằng được hoạt động” - CEO của IVY moda cho hay.
Đồng tình với việc cần xoay chuyển mô hình hoạt động kinh doanh để thích ứng với đại dịch, Tổng giám đốc Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam Vũ Đăng Vinh cho rằng, do giảm thu nên các mô hình kinh doanh cần thay đổi về cấu trúc chi phí như cắt giảm các khoản chi thuê mặt bằng, nhân viên khi không hiệu quả. Dịch bệnh nên nhiều DN, cá nhân dần chuyển đổi sang xu thế bán hàng trực tuyến. Khi bán hàng online trở nên phổ biến hơn, đồng nghĩa cạnh tranh cũng lớn hơn. Tuy nhiên, các xáo trộn cũng là cơ hội để tìm kiếm thị trường, khách hàng mới nếu DN có các lợi thế về chi phí sản phẩm, chất lượng và kênh phân phối đa dạng, đặc biệt là cách tận dụng lợi thế internet.