Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người trồng phật thủ lo "trắng tay" sau ảnh hưởng của bão Yagi

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian thử nghiệm, phật thủ dần trở thành cây trồng chủ đạo và đem lại đời sống ấm no cho người dân xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức), nhưng vừa qua, do ảnh hưởng của bão Yagi, người dân đang đứng trước nỗi lo "trắng tay"…

Người dân ấm no nhờ phật thủ

Vào những năm đầu thập niên 2000, người dân xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức) bắt đầu trồng thử nghiệm cây phật thủ, do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và đáp ứng được thị trường, phật thủ dần trở thành cây trồng chủ đạo, đem lại đời sống ấm no cho người dân.

Báo cáo của Hội sản xuất kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở cho thấy, có khoảng 500 hộ đang trồng loại cây này, với diện tích 350ha, “phủ sóng” ở các địa phương trong huyện như Đắc Sở, Tiền Yên, Minh Khai, Vân Côn. Ngoài ra, người Đắc Sở còn đến các địa phương lân cận như Phúc Thọ, Hà Đông, Ba Vì, Sơn Tây và Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), thuê đất để trồng phật thủ. 

Phật thủ là loại cây đã đem lại cuộc sống ấm no cho nông dân xã Đắc Sở
Phật thủ là loại cây đã đem lại cuộc sống ấm no cho nông dân xã Đắc Sở

Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đắc Sở Tạ Đăng Xuân cho biết, cách đây trên 20 năm, cây phật thủ bắt đầu bén rễ trên đồng đất nơi đây, do hiệu quả kinh tế đem lại, dần dần trở thành cây trồng chủ đạo ở Đắc Sở. Để đầu tư 1ha phật thủ, người dân phải chi ra số tiền hàng trăm triệu đồng, cộng vào đó là công sức chăm bẵm, phân bón tưới tiêu. Đặc điểm sinh trưởng của cây phật thủ rất phù hợp với đất bãi bồi, nên ngoài diện tích tại chỗ, người Đắc Sở còn đi nhiều địa phương khác thuê đất để trồng phật thủ. "Mức đầu tư ban đầu cao, nhưng trong vòng 24 tháng, cây phật thủ đã bắt đầu cho thu hoạch. Với cây phật thủ, không có chuyện “được mùa mất giá” -  Chủ tịch UBND xã Đắc Sở thông tin.

Vẫn theo ông Tạ Đăng Xuân, nếu chăm sóc tốt, 1ha phật thủ sẽ cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, vì ngoài những quả đẹp được bán với gia cả triệu đồng, những quả hạng trung cũng có giá vài trăm nghìn đồng, loại nhỏ xắt lát phơi khô cũng hàng chục nghìn/kg... Vì vậy chỉ trong vòng khoảng 20 năm gắn bó với cây phật thủ, cuộc sống của người dân Đắc Sở đã thay đổi rất nhiều, đời sống người dân ngày càng nâng cao. 

Thu hoạch, đóng gói quả phật thủ (ảnh tư liệu do UBND xã Đắc Sở cung cấp)
Thu hoạch, đóng gói quả phật thủ (ảnh tư liệu do UBND xã Đắc Sở cung cấp)

Nỗi lo "trắng tay" sau mưa bão

Việc làm ăn của người dân Đắc Sở đang "thuận buồm xuôi gió", bão Yagi tràn về, đi kèm gió bão là mưa lụt, khiến hàng trăm héc ta phật thủ bị đổ gục. Trong phút chốc, công sức của người trồng phật thủ ở xã Đắc Sở thành “đốn củi 3 năm, thiêu 1 giờ”…

Theo Chủ tịch Hội sản xuất và Kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở Tạ Văn Phúc, khoảng 300ha phật thủ của khoảng 400 hộ đã bị thiệt hại do bão Yagi. Trong đó diện tích thiệt hại hoàn toàn là 150ha, 100ha thiệt hại từ 70 đến 80%, 50ha thiệt hại 1 nửa, ước tổng thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng.

Bàn về việc khôi phục sau thiên tai, Chủ tịch UBND xã Đắc Sở Tạ Đăng Xuân chi sẻ: "do đặc tính sinh học của cây phật thủ, khi đã bị hư hại, chưa tái canh tác trên đất cũ (cần thời gian từ 3 đến 5 năm để đất nghỉ). Kể cả những cây chỉ bị ảnh hưởng, có chăm bón thế nào đi chăng nữa, cũng không thể cho sản lượng khả quan". 

Vườn phật thủ đã đến kỳ cho thu hoạch, nhưng bị chết do ngập bởi mưa lũ từ hoàn lưu bão Yagi.
Vườn phật thủ đã đến kỳ cho thu hoạch, nhưng bị chết do ngập bởi mưa lũ từ hoàn lưu bão Yagi.

Vì vậy với cây phật thủ, đã mất là mất trắng, muốn tái diện tích, người dân bắt buộc phải tìm vùng đất mới, nhưng cũng chính vì đặc điểm sinh trưởng của phật thủ (chỉ phù hợp với đất bãi bồi) nên quanh khu vực đã được người Đắc Sở khai thác gần như triệt để, bây giờ muốn trồng mới, cũng khó lòng tìm được vùng đất phù hợp. Mặt khác do lợi nhuận cao, người dân liên tục mở rộng diện tích, nên hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư vào trồng phật thủ, giờ là nỗi lo "trắng tay".

Ông Tạ Văn Trường (xã Đắc Sở) cho biết, với 1000 cây phật thủ, gia đình ông đã phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đầu tư, nhưng chỉ sau cơn bão Yagi, mồ hôi công sức bấy nay đã “chết” theo phật thủ.

Rất cần những chiếc “phao”

Chủ tịch UBND xã Đắc Sở Tạ Đăng Xuân cho rằng, điều người dân cần nhất hiện nay là được các tổ chức tín dụng khoanh nợ, giảm lãi suất và tạo điều kiện cho người dân tiếp tục được vay vốn, từng bước khôi phục vườn cây. Với diện tích phật thủ đã chết, muốn tái canh phải chờ một khoảng thời gian cho đất nghỉ, tuy nhiên (trừ họ cây có múi) vẫn đất ấy, nếu trồng táo, ổi, đu đủ vẫn vô cùng tốt. Bởi vậy, ngoài vốn, người dân rất cần được hỗ trợ cây giống, vật tư phân bón, để sản xuất cây trồng mới trong khi chờ để tái trồng lại phật thủ.

Đồng thời, người dân xã Đắc Sở cũng cần các chủ đất giảm tiền cho thuê (bởi thông thường khi thuê đất, chủ nhà thường thu tiền 1 lần cho cả chu kỳ); các nhà khoa học giúp lai tạo lại giống, bởi sau hơn 20 năm đưa vào trồng, đến nay cây phật thủ của Đắc Sở đã có hiện tượng thoái hóa. 

Lãnh đạo xã Đắc Sở động viên người trồng phật thủ, sau bão Yagi.
Lãnh đạo xã Đắc Sở động viên người trồng phật thủ, sau bão Yagi.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, bão Yagi đã làm 1.473,21 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại. Trong đó lúa 118,55ha (thiệt hại trên 70% là 88,97ha), rau 275,24ha (thiệt hại trên 70% là 126,02ha), ngô, màu khác 195,15ha (thiệt hại trên 70% là 90,05ha), cây ăn quả 884,27ha (thiệt hại trên 70% là 252,65ha).