Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Người tù thế kỷ” đã được xin lỗi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/12, cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén - “người tù thế kỷ” bị buộc tội oan hơn 17 năm trong cả 2 vụ án giết người.

Ông Huỳnh Văn Nén (thứ 2 từ phải sang) và gia đình tại buổi xin lỗi công khai của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận vào sáng 3/12. 	  	Ảnh: Nguyễn Thanh
Ông Huỳnh Văn Nén (thứ 2 từ phải sang) và gia đình tại buổi xin lỗi công khai của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận vào sáng 3/12. Ảnh: Nguyễn Thanh
Sau khi nhắc lại những vấn đề oan sai đối với cá nhân ông Nén trong 2 vụ án oan, đại diện TAND tỉnh Bình Thuận công bố: “Chúng tôi thừa nhận sai sót đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này, thừa nhận khuyết điểm và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Do đó, chúng tôi rất mong ông Huỳnh Văn Nén hãy tha thứ và chấp nhận lời xin lỗi của cơ quan TAND tỉnh Bình Thuận, VKSND tỉnh Bình Thuận, CQĐT công an tỉnh Bình Thuận và những người đã tiến hành tố tụng trong cả 2 vụ án trong quá khứ. Chúng tôi đã rút ra được bài học kinh nghiệm sâu sắc và hứa sẽ không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để trong thời gian tới không còn một người nào, một gia đình nào phải gánh chịu những mất mát, thiệt thòi do bị điều tra, truy tố và kết án oan…".

Sau lời xin lỗi của vị đại diện TAND tỉnh Bình Thuận, ông Nén đã có lời phát biểu đầy xúc động để cảm ơn những người đã “sinh ra mình” lần thứ hai cũng như chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan chức năng: “Tôi tha thiết mong rằng, bằng những đòn roi tôi đã nhận, bằng những oan ức tôi đã trải qua, bằng những tan nát khi gia đình tôi, vợ con tôi nếm trải, các điều tra viên, các kiểm sát viên, các thẩm phán, khi đặt bút phán quyết một điều gì, hãy cân nhắc thật kỹ, hãy suy nghĩ không chỉ bằng lý trí, mà còn bằng pháp lý để không làm oan cho bất kể ai. Bởi dù oan ức một ngày, thì có thể tiêu tan cả đời. Tôi mong các cơ quan tố tụng hãy nghĩ đến trường hợp oan sai của tôi, như là oan sai đối với người thân của mình. Tôi mong các ông bà, hãy đặt vào hoàn cảnh của tôi, để đưa ra một bản án hợp để người chịu án tâm phục khẩu phục…”.

Ròng rã hành trình minh oan

Sau gần 18 năm dài đằng đẵng, được trả tự do, trở lại cuộc sống bình thường, đối với ông Nén cái gì cũng thấy lạ, từ đường sá, điện thoại và sự thay da đổi thịt của chính quê hương mình

Ký vào tờ quyết định đình chỉ bị can, ông Nén không giấu được nổi niềm xúc động. Ông cho biết trong những ngày tháng ở trong tù, ông chỉ mong ước được sớm minh oan để còn về phụng dưỡng cha mẹ già, sửa lại căn nhà dột nát, bù đắp lại cho vợ con những tháng ngày khổ cực vì ông bị tù oan, thế mà niềm mong ước giản dị đó kéo dài tới gần 18 năm... Trong thời gian ông Nén đang ngồi tù, mẹ của ông qua đời chỉ kịp trăn trối với chồng là cụ Huỳnh Truyện rằng "cố gắng lo cho thằng Nén" nên cụ tuy đã tuổi già sức yếu vẫn cố kêu oan cho con với niềm tin rằng, không có tội thì sẽ được trời thương xót.

Đồng hành trên con đường gian nan minh oan cho ông Nén, ngoài người cha già là cụ Huỳnh Truyện còn có người ông Nguyễn Thận (thầy giáo của ông Nén). Người già cả, kẻ mang bệnh nặng nhưng cả hai đều không từ nan ròng rã kêu oan cho ông Nén suốt mười mấy năm trời. Cũng trong thời gian này, cụ Truyện không dám cho ông Nén biết tin vợ mình đã mất, vì sợ con không kiềm chế được cảm xúc sẽ gây rối trong tù, như thế việc kêu oan sẽ càng thêm khó.

Sự thật được làm rõ

Ngày 28/11/2015, Đại tá Phạm Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén. Theo đó, quá trình điều tra lại vụ án, cơ quan công an đã truy tìm được thủ phạm giết bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng cách đây gần 18 năm.

Theo hồ sơ vụ án, tối 23/4/1998, ông Nén bị cho là đã dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Bông cướp chiếc nhẫn, sau khi đi uống rượu về. Khi đang bị công an bắt giữ, ông Nén khai ra vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (xảy ra ngày 18/3/1993, cũng tại huyện Hàm Tân).

Ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tù về tội Cướp tài sản và 2 năm tù về tội Cố ý hủy hoại tài sản. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Do ông Nén nộp đơn kháng cáo kêu oan quá thời hạn, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh không chấp nhận kháng cáo, đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Mãi đến năm 2005, sau 12 năm điều tra, vụ án giết bà Mỹ được xác định là oan sai, 9 người trong gia đình ông Nén được bồi thường. Riêng ông Nén vẫn phải thụ án chung thân do bị kết tội giết bà Bông.

Cũng trong thời gian này, phạm nhân Nguyễn Phúc Thành đang cải tạo tại trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) đã làm đơn tố giác 2 người bạn của mình (ngụ cùng địa phương, nghiện ma túy và thường xuyên trộm cắp tài sản) chính là hung thủ giết bà Bông. Từ đó, người cha già của ông Nén ròng rã kêu oan cho con.

16 năm sau, tháng 11/2014, bản án Giám đốc thẩm của TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy án sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt với ông Nén để điều tra lại.

Hiện, cán bộ của TAND tỉnh Bình Thuận đã đưa mẫu đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và hướng dẫn ông Nén về làm đơn. TAND tỉnh Bình Thuận được cho là sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Nén.
Oan sai là do con người
Đó là ý kiến của Luật sư Phạm Tấn Thuấn - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh khi nói về vụ ông Huỳnh Văn Nén - người tù qua 2 thế kỷ; người đang giữ “kỷ lục” bị kết oán oan 2 lần đang gây xôn xao dư luận.
Theo Luật sư Thuấn, không phải đến hôm nay, vấn đề oan sai trong tố tụng hình sự mới được dư luận quan tâm; các cơ quan chức năng và cả Quốc hội, Bộ Chính trị cũng đã vào cuộc từ lâu, như ban hành những nghị quyết, chỉ thị; sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự để việc điều tra, truy tố, xét xử tránh bỏ lọt tội phạm, hàm oan người vô tội. Mới đây, sau một thời gian các Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện việc giám sát án oan ở một số địa phương, ngày 26/6/2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 96/2015/QH13 Về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Nghị quyết đã đề ra 9 giải pháp phòng chống oan sai.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra, nhiều vấn đề đã được đặt ra trong đó chú trọng đến bảo vệ quyền con người đã được các đại biểu bàn luận sôi nổi như “quyền im lặng” của người bị tình nghi phạm tội, người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Đây là việc mở rộng quyền cho những người bị bắt, bị can, bị cáo trong Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi theo xu hướng tiến bộ, dân chủ, công bằng. "Thực tế đã có nhiều vụ oan sai xảy ra cũng do lời khai ban đầu khi những người bị bắt sợ quá nên khai bừa. Họ tự nhận mình phạm tội nhưng thực tế lại không làm. Nhưng điều tra viên vẫn cứ theo hướng đó để buộc tội thay vì điều tra khách quan, toàn diện và đầy đủ", một kiểm sát viên Viện KSND TP Hồ Chí Minh nhận xét. Điều này lại càng được minh chứng hơn qua vụ án của ông Huỳnh Văn Nén. Do bị dụ cung, mớm cung, nhục hình nên ông Nén đã nhận bừa giết người và phải ngồi tù oan hơn 6.000 ngày.
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để ngăn chặn, hạn chế, tránh oan sai nhưng nỗi oan khiên vẫn còn đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến oan sai nhưng cơ bản vẫn là do yếu tố chủ quan - con người mà ra. Hầu như để xảy ra các vụ án oan là do người tiến hành tố tụng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; việc điều tra, truy tố, xét xử bị áp đặt theo ý chí chủ quan của người thực thi luật pháp mà không tôn trọng sự thật khách quan; không dựa trên những căn cứ xác thực, khoa học… Điều tra theo kiểu suy đoán “mày không làm không lẽ là tao” rồi từ đó mớm cung, nhục hình bắt phải khai theo kịch bản của điều tra viên. Tòa án thì lại căn cứ vào “án tại hồ sơ”, tin vào bản Kết luận điều tra, Cáo trạng mà không căn cứ vào quá trình tranh tụng, diễn biến phiên tòa, chứng cứ gỡ tội…
Trở lại vụ án Huỳnh Văn Nén, điều tra viên trong vụ án là ông Cao Văn Hùng trả lời trước báo chí: “Tôi được coi là hạt giống đỏ của PC16, Công an tỉnh Bình Thận. Đồng đội quá tin tưởng, đề cao tôi quá nên lúc đó tôi như người lên mây lên gió. Trước đó, tôi hoàn thành rất nhiều án truy xét nên có lúc tôi quá tự tin về năng lực của mình. Mặt khác, vì tín nhiệm của anh em càng thúc đẩy tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đến sau này tôi mới nhận thức được rằng có lẽ do say nghề quá”.
Một vấn đề nữa là đa phần các vụ án oan xảy ra đều không có luật sư tham gia ngay từ đầu và nếu có tham gia đi chăng nữa thì cũng bị “trói” bởi các quy định, rào cản luật pháp và sự cản trở hành nghề của cơ quan tiến hành tố tụng. Chỉ khi nào luật sư thực sự được coi là lực lượng “đối trọng” với cơ quan điều tra, kiểm sát trong hoạt động tố tụng hình sự, lúc đó mới mong có chuyển biến về án oan. Khi luật sư được tham gia thực hiện quyền bào chữa cho bị can, bị cáo, người bị tạm giữ ngay từ đầu thì mới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; góp phần ngăn chặn không bị xâm phạm bởi các hoạt động sai trái, tiêu cực của cơ quan điều tra như ép cung, mớm cung, nhục hình. Luật sư có thể tự mình thu thập chứng cứ về vụ án, tiến hành xem xét và đánh giá chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập; giữ vai trò giám sát, phản biện với quá trình điều tra, truy tố để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.
            Hà Nam ghi