Người vác tù và hàng tổng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa nội thành Hà Nội - nơi tấc đất tấc vàng, người ta luôn tận dụng tối đa từng khoảng đất trống để cho thuê kiếm thêm thu nhập.

Ông Trần Viết Kiến và vợ.
Ông Trần Viết Kiến và vợ.
Vậy mà, hơn 15 năm qua, vợ chồng ông Trần Viết Kiến (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) đã tình nguyện hiến gần 100m2 đất để xây dựng khu nhà sinh hoạt chung cho cả tổ dân phố.

Ngôi nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi của gia đình ông Trần Viết Kiến với đầy đủ biểu ngữ, loa đài, tivi, bàn ghế, tượng Bác Hồ… được trang trí thành hội trường, là nơi diễn ra các cuộc họp, hội nghị giao ban, công tác tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân tổ dân phố 88, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Đã ngoài 70 tuổi, nhưng từ chuyện trong nhà, ngoài ngõ cho đến những khó khăn của các hộ chính sách, người già neo đơn… đều thấy ông Tổ trưởng tham gia rất nhiệt tình.

Kể về thời điểm khi mọi hoạt động của khu dân cư còn nhiều khó khăn vì thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng, ông Trần Viết Kiến tâm sự: Với cương vị một Tổ trưởng Tổ dân phố, tôi cùng vợ và các con đã bàn bạc quyết định sử dụng đất của gia đình, chi trả toàn bộ kinh phí xây dựng nhà sinh hoạt chung cho khu dân cư. Từ đầu năm 2001, lúc ấy kinh tế gia đình vẫn còn hạn hẹp, nên tôi chỉ xây tạm căn nhà cấp 4 làm nơi hội họp nhỏ. Phải mãi đến 11 năm sau, khi tích góp được chút tiền từ lương hưu, tôi lại cùng gia đình xây dựng căn nhà sinh hoạt thêm một tầng kiên cố và khang trang hơn với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng. “Mỗi khi có dịp hội họp, tôi và các con nhiệt tình phục vụ miễn phí, nóng có quạt, có điều hòa, tối có đèn, hoàn toàn không nhận bất kỳ một khoản chi phí nào” - ông Kiến chia sẻ.

Theo người thân trong gia đình, quá trình xây dựng và đưa ngôi nhà trở thành nơi sinh hoạt cho tổ dân phố cũng gặp không ít khó khăn. Từ những chi phí tiền điện, nước phát sinh hàng ngày, việc xin giấy tờ để xây dựng… đến chuyện nhiều người dân xung quanh do chưa hiểu hết được ý tốt của gia đình, đã lên tiếng phản đối, rồi không đến tham dự những cuộc họp của tổ dân phố tại gia đình ông bà. Nhưng với tấm lòng vô tư, nhiệt huyết, việc làm của gia đình ông bà Kiến đã khiến mọi người hiểu ra và đến nay đều ủng hộ. Bà Mùi – vợ ông Kiến cho biết: Có người xui gia đình nên làm nhà cho thuê, tội gì làm cái việc “vác tù và hàng tổng” thế này. Nhưng cả gia đình chúng tôi vẫn không thay đổi ý kiến mà sẵn sàng phục vụ họp ở đây.

Không chỉ có việc xây nhà vì công việc chung của người dân khu phố, ông Trần Viết Kiến còn tích cực tham gia phong trào ở địa phương với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh khu dân cư, và hơn 20 năm làm Tổ trưởng Tổ dân phố. Chính vì thế, hơn ai hết, ông gần gũi và hiểu cuộc sống của từng gia đình nơi đây. Rồi tình cảm chân thành, nếp sống gương mẫu của ông và gia đình đã khiến nhiều người cảm phục. Người dân xung quanh nhận xét, ông Kiến là người cựu chiến binh luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của tổ dân phố. Không những nhiệt tình trong công tác, giúp ích tổ dân cư được rất nhiều việc, mà cả việc hòa giải để cho mọi người học tập. Mọi người đều trông vào tấm gương của ông bà để sống tốt hơn.

Với những đóng góp của ông và gia đình, ông đã được TP Hà Nội vinh danh là một trong những cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng có lẽ, phần thưởng lớn hơn cả là ông và gia đình được sống trong tình cảm yêu mến của những người dân khu phố và là tấm gương cho con cháu noi theo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần