Người vẽ hình Bác Hồ bằng máy chữ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đại tá Lê Thế Tục không nhớ chính xác mình đã vẽ bao nhiêu bức hình về Bác bằng chiếc máy chữ cũ kỹ, chỉ biết rằng con số ấy phải tới hàng trăm.

Mỗi bức là một hình ảnh, tâm trạng của Bác, lúc đăm đắm suy tư trăn trở vận nước, lúc hạnh phúc chứa chan khi gặp các cháu nhi đồng…

Một lần nghe Bác giảng bài

Ngôi nhà nhỏ của đại tá Lê Thế Tục nằm sâu trong khu tập thể quân đội Mai Dịch. Tuổi bát thập, tuy tay chân đã chậm chạp hơn nhưng ánh mắt của ông vẫn toát lên vẻ tinh anh và trí nhớ còn minh mẫn.

Người vẽ hình Bác Hồ bằng máy chữ - Ảnh 1
 
Một chiến sĩ quả cảm, một giáo viên chính trị, một nghệ sĩ tài hoa… không biết nên gọi ông bằng danh hiệu nào cho hợp, bởi với vai trò gì, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng nói về điều này, ông rất dí dỏm và khiêm tốn: "Tôi chẳng có hàm cao, chức trọng gì, toàn viên thôi!".

Thấy tôi băn khoăn trước từ "toàn viên", ông tủm tỉm cười nói: "Có gì đâu, vào bộ đội là đội viên, rồi nhân viên. Đi học là học viên. Vào Đảng là đảng viên, rồi làm phái viên ở chiến trường và giảng viên. Khi về nghỉ hưu lại làm diễn viên". Sáu chữ "viên" của ông khiến tôi từ thích thú đến khâm phục. 17 tuổi (năm 1947), chàng trai Lê Thế Tục nhập ngũ, làm ở bộ phận văn thư của Huyện đội dân quân du kích tại tỉnh Phú Thọ. Ông say sưa tập gõ máy chữ, trình bày văn bản sao cho vừa khoa học, vừa thẩm mỹ. Ít lâu sau, ông được giao nhiệm vụ ghi lại biên bản các cuộc họp, những ngón tay "như có mắt", nhảy múa trên phím chữ rất hiếm khi trượt. Hai năm sau, ông được điều chuyển công tác sang Ban Địch vận, Phòng Chính trị Đại đoàn 308; rồi về Cục Quân lực năm 1952… Năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông được giao nhiệm vụ làm Phó Hiệu trưởng trường Đảng quân khu 2 ở Tây Bắc cho đến khi nghỉ hưu.

Đại tá Lê Thế Tục nhớ lại, năm 1953, trong một đợt chỉnh quân ở Bộ Tổng tham mưu, Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với anh em chiến sĩ về chủ đề kháng Mỹ viện Triều. Đầu tiên, Bác cầm một cái đĩa và đặt một cái thước ở giữa (tượng trưng cho sự chia cắt Nam - Bắc Triều Tiên) và phân tích cặn kẽ bối cảnh lịch sử, các tình thế chiến tranh có thể xảy ra ở khu vực này. 

Khi Bác đang giảng bài thì có một đồng chí đứng lên hỏi: "Thưa Bác, vậy cuộc kháng chiến ở Việt Nam còn kéo dài đến bao lâu?". Bác bảo: "Bây giờ Bác muốn xuống với các cháu mà Bác lại nhảy qua cái bàn này thì có khi gãy chân gãy tay. Vì vậy, Bác cần phải suy nghĩ xem đi bằng con đường nào vẫn đến được chỗ cháu nhưng đảm bảo an toàn. Cuộc kháng chiến của ta cũng thế, muốn thắng nhanh nhưng phải có thời cơ, phương pháp và không được nóng vội". Bác giảng chính trị đầy ắp hình tượng, ví von, so sánh thực tế khiến tôi nghe một lần là hiểu bản chất vấn đề. Cho nên sau này khi giảng dạy ở trường Đảng Quân khu 2, tôi cũng vận dụng  lối truyền đạt ấy cho các học viên của mình.

Chỉ vẽ Bác Hồ

Căn nhà nhỏ của đại tá Lê Thế Tục rất nhiều những "vật chứng" thời gian: Những cuốn Điều lệ Đảng viên bé xíu đã ngả màu; những con tem, tờ lịch thời bao cấp; những tấm ảnh đen trắng về chiến trường Biện Biên hay những tờ tiền Trường Sơn chỉ bộ đội công tác ở Lào mới được cấp… Tất cả "báu vật" ấy được ông cất giữ cẩn thận trong album, cuốn sổ hay hộp giấy. Và hơn tất cả là bộ tranh Bác Hồ được vẽ bằng máy đánh chữ không có ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước Việt Nam cũng như thế giới, do chính tay ông thực hiện. Vốn có năng khiếu hội họa nên ở bất cứ đâu ông cũng thích trang trí những vật dụng và không gian sống của mình. 

Người vẽ hình Bác Hồ bằng máy chữ - Ảnh 2
 
Khi tiếp cận với máy chữ, ông nghĩ, nó cũng có thể tạo ra những hình vẽ độc đáo. "Năm 1960, tôi xây dựng gia đình, tự đánh máy chữ làm giấy mời bằng giấy pơ-luya gấp đôi. Nhưng, như thế đơn điệu quá và tôi quyết định dùng những ký hiệu của chiếc máy đánh chữ để vẽ hình Tháp Rùa. Lúc đầu vừa nhìn vừa đánh máy, in ra hình có khi ngắn hoặc cao hơn hình mẫu. Thế nên tôi phác họa hình Tháp Rùa bằng bút chì rất mờ, để biết cự ly dãn cách. Trước khi vẽ mỗi chi tiết, phải tính toán cẩn thận xem nên sử dụng chữ, con số, dấu hay ký tự gì, đậm, nhạt ra sao để điều chỉnh mức độ ấn bàn phím cho phù hợp. Chỗ lên, xuống phải xoay trục ru-lô cho phù hợp chứ không phải ấn nút cách dòng… Tất cả phải hết sức thận trọng" - ông kể. 

Từ khi còn ở Cục Quân lực, đại tá Lê Thế Tục đã thích sưu tầm hình ảnh của Bác. Đến khi là Phó Hiệu trưởng trường Đảng quân khu 2, mỗi thứ Bảy, Chủ nhật ở lại trường, ông mượn máy chữ đóng cửa lại vẽ hình Bác. "Trong quá trình vẽ, chỉ cần sai một nét là phải bỏ chứ không như vẽ tay. Ví dụ, hình cong của mặt, nếu thiếu 1 nét thì lõm, thừa 1 nét thì lồi. Thường hình mẫu vẽ trên mặt phẳng còn đánh máy phải tính toán trên trục xoay. Hơn nữa, khổ giấy có giới hạn, nếu không tính toán cự ly phù hợp sẽ không đủ khuôn hình. Đặc biệt, khi vẽ Bác Hồ, tôi phải dùng tất cả các ký tự, ký hiệu có trên máy chữ, các kiểu chữ… rất cầu kỳ để khi xem ai cũng phải thấy có hồn". 

Khi vẽ tranh bằng máy chữ, dù cùng một ảnh mẫu, nhưng mỗi lần vẽ ông lại cho ra một hình khác nhau. Điều này phụ thuộc vào việc lựa chọn sử dụng các ký tự và độ đậm, nhạt ở các ký tự do tay điều chỉnh. 

Hỏi ông tại sao chỉ vẽ hình ảnh Bác Hồ và Lăng Chủ tịch mà không vẽ cỏ cây hoa lá? Ông bảo: "Tôi có một niềm tin và kính yêu vô hạn về Bác. Hơn thế, bạn bè tôi đa phần là những người đồng đội từng vào sinh ra tử nơi chiến trường để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Bác đã sống trong tim tôi thì cũng sống trong tim họ. Bởi thế, tôi muốn vẽ chân dung của Bác để tặng cho đồng chí của mình".

Năm 1983, đại tá Lê Thế Tục về hưu, trong cuốn sổ y bạ của ông liệt kê hàng chục thứ bệnh, nhưng, ông không chịu ngồi yên. Từ khi nghỉ hưu, ông còn tình cờ tham gia đóng phim. Trong số hàng chục vai diễn của ông, nhiều người rất ấn tượng với tướng Lê Sâm trong phim "Chuyện đời thường"… Với những cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, ông đã vinh dự được trao tặng Huân chương Quân công hạng 2, Chiến công hạng 3, Huy hiệu 40, 50, 60 năm tuổi Đảng.