Đa số giải đấu bóng đá quốc tế cho phép đặt cược tại Việt Nam
Dự thảo Nghị định vẫn giữ mức giới hạn là 10.000 đồng/lần đặt cược và tối đa 1 triệu đồng/sản phẩm/ngày. Bộ Tài chính cho rằng, mức này để kiểm soát người chơi và quản lý giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh đặt cược, kinh nghiệm các nước đều đặt hạn mức đặt cược nhằm tránh người chơi không ham mê quá mức, ảnh hưởng đến tài chính và an ninh, trật tự xã hội. Sau 5 năm thí điểm, cấp có thẩm quyền có thể xem xét điều chỉnh hạn mức này.
Theo dự thảo của Bộ Tài chính, có 27 giải đấu và 9 trận đấu lớn được lựa chọn để đặt cược. Trong số đó, có 15 giải đấu được tổ chức thường xuyên hàng năm do Liên đoàn bóng đá khu vực châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và các nước Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp tổ chức; 12 giải còn lại là những giải không tổ chức thường xuyên.
Dự thảo đề nghị giữ nguyên độ tuổi tham gia đặt cược là 21 tuổi nhằm đảm bảo đủ hành vi dân sự và đã có thu nhập, kiểm soát được khả năng tài chính của bản thân khi đặt cược.
Theo Luật sư Hà Huy Phong- Công ty Luật Inteco, cá cược bóng đã được công nhận và hợp pháp từ năm 2017 theo Nghị định 06/2017, và hiện tại, Bộ Tài chính đang đề xuất một số sửa đổi quy định trước đó để cập nhật phù hợp với tình hình mới. “Có thể đây là một hoạt động nhạy cảm, có mức độ tác động tới xã hội lớn nên Chính phủ đang mở cửa một cách dè dặt dò đường để thử nghiệm”- ông Phong đánh giá.
Doanh nghiệp tham gia dự thầu phải đáp ứng điều kiện gì?
Bộ Tài chính cũng nêu rõ, điều kiện tham gia dự thầu là DN phải có vốn hơn 1.000 tỷ đồng; trong đó, vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được vượt 50% tổng vốn đầu tư dự án và có cam kết đóng góp cho ngân sách nhà nước bằng tiền tối thiểu 5% doanh thu bán vé đặt cược.
Theo Bộ Tài chính, đặt cược bóng đá là loại hình kinh doanh có tác động tiêu cực về mặt xã hội, vì vậy cần được triển khai thận trọng, từng bước và có lộ trình nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Kinh nghiệm từ một số nước cũng chỉ cho phép 1 DN kinh doanh đặt cược như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore. Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục giữ quan điểm chỉ cho phép một nhà đầu tư thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế trong 5 năm. Sau thời gian thí điểm, các bộ, ngành sẽ cùng đánh giá, tổng kết và trình cấp có thẩm quyền quyết định việc tiếp tục cho phép kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế; trong đó có việc bổ sung số lượng doanh nghiệp tham gia hoặc có thể chấm dứt loại hình kinh doanh này.
Theo các chuyên gia, hoạt động cá cược bóng đá hợp pháp tại Việt Nam chưa phát triển và chưa được nhiều người biết đến. Nguyên nhân có thể vì các điều kiện của nó đang quá chặt chẽ với đơn vị kinh doanh, mà lại thiếu hấp dẫn với người chơi và thị trường, nên gần như hoạt động này chưa xuất hiện trên thực tế.
“Nhìn ra thế giới, cá cược bóng đá được công nhận ở nhiều quốc gia, nhưng cũng còn có rất nhiều nước chưa công nhận. Quốc gia nào cho phép cũng quản lý chặt chẽ bằng các điều kiện có tính pháp lý và tài chính nên có thể nói là không có sự tự do một cách hoàn toàn đúng nghĩa để nền kinh tế thị trường tự điều chỉnh”- Luật sư Hà Huy Phong cho hay.
Và thực tế, trong khi cá cược bóng đá hợp pháp chưa thực sự đi vào cuộc sống thì cá cược bất hợp pháp lại đang tồn tại khá phổ biến, dẫn tới hoạt động này vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước, gây thất thoát ngân sách khá lớn, cũng như dẫn tới rất nhiều hệ lụy về mặt xã hội.
Về điều kiện các DN tham gia dự thầu hoạt động cá cược theo Dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra,ông Phong cho rằng, trên quan điểm pháp lý và tài chính, Dự thảo sửa đổi mới nhất mà Bộ Tài chính công bố vẫn đang quá dè dặt, quá chặt chẽ dẫn tới khả năng tiếp tục không có đơn vị nào đủ điều kiện để tham gia kinh doanh. Ví dụ, việc yêu cầu mức vốn điều lệ quá lớn, nhưng mức giới hạn đặt cược còn quá nhỏ nên quy mô thị trường không thể đủ để đảm bảo nguồn doanh thu cho đơn vị kinh doanh, nên khó có thể hấp dẫn DN tham gia vào thị trường này. “Chúng ta không khuyến khích hoạt động cá cược, nhưng không có nghĩa là chặn hết đường tham gia của doanh nghiệp, bởi nếu làm vậy, thì rốt cuộc là thị trường cá cược bất hợp pháp vẫn tiếp tục duy trì sự thống trị của mình, và nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước.”- ông Phong nhấn mạnh.