Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Việt tốn gấp 3 lần cho bữa ăn sau hơn một thập kỷ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến 2015, giá trị tiêu dùng hàng thực phẩm của Việt Nam mỗi năm tăng gấp rưỡi, từ 18,7 tỷ USD (khoảng 358.000 tỷ đồng) lên 27,6 tỷ USD. Dự kiến năm 2016, con số này sẽ đạt khoảng 29,5 tỷ USD, xấp xỉ 538.000 tỷ đồng.

Chỉ số tiêu dùng thực phẩm bình quân theo đầu người cũng tăng tương ứng trong giai đoạn 2010-2015. Năm 2015, con số này vào khoảng 5,6 triệu đồng và dự kiến đạt 5,77 triệu đồng vào 2016. Nếu so với năm 2004, tiêu dùng thực phẩm bình quân của mỗi người tăng gấp 3 lần.

Chia sẻ tại hội thảo "Xu hướng tiêu dùng hiện đại và thực phẩm sạch" ngày 16/3, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Agroinfo) cho biết chi bình quân cho lương thực, thực phẩm ở một số thành phố lớn cao khoảng gấp đôi so với mức trung bình. Chẳng hạn năm 2014, khoản chi trung bình tại TP HCM là 961.000 đồng một người mỗi tháng, Đà Nẵng là 802.000 đồng.

Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, giá trị tiêu thụ thực phẩm tăng khá ấn tượng do thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam cao hơn và sự phát triển của ngành bán lẻ. Đơn vị này nhận định, hiện vẫn có tới 85% người tiêu dùng mua thực phẩm qua các kênh truyền thống như hộ kinh doanh ở chợ, những người bán lẻ ven đường.... Chỉ có khoảng 15% còn lại là giao dịch qua kênh hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Tuy nhiên, Hiệp hội cho biết, con số trên đang dần thay đổi nghiêng về phía các định dạng bán lẻ hiện đại.

Đơn vị này cũng nhận định, xu hướng tiêu dùng đối với lương thực, thực phẩm của người dân Việt Nam hiện nay cũng thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây người tiêu dùng quan tâm tới nhu cầu ăn no, thì giờ đây còn cần cả ăn ngon và tiêu dùng an toàn nhằm cải thiện sức khoẻ, chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi.